UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương để Công ty Syrena xây dựng 100 căn biệt thự nghỉ dưỡng ở Vườn Quốc gia Núi Chúa, dự án này sẽ khai thác 12 ha rừng, trong đó có hơn 10 ha rừng tự nhiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang báo cáo đánh giá tác động đối với môi trường.

ninh thuan vinh hy nui chua 2329268899
Vịnh Vĩnh Hy, Vườn Quốc gia Núi Chúa. (Ảnh:Trong Nguyen/Shutterstock)

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tham vấn cộng đồng về báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu nghỉ dưỡng Vĩnh Hy của Công ty Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam. Được biết, dự án này muốn khai thác 12ha rừng, trong đó có hơn 10ha rừng tự nhiên.

Khu đất thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng nói trên thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150, là rừng đặc dụng, thuộc phân khu hành chính cho Vườn Quốc gia Núi Chúa quản lý, báo Việt Nam Net đưa tin.

Căn cứ đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, diện tích sử dụng đất của dự án là 64,6 ha và chia làm 2 giai đoạn đầu tư.

Giai đoạn 1, ngoài các công trình dịch vụ và phụ trợ, chủ đầu tư sẽ xây dựng 54 căn biệt thự nghỉ dưỡng với diện tích từ 150m2 – 450m2/căn. Giai đoạn 2 tiếp tục xây thêm 46 biệt thự có diện tích từ 250m2 – 1.500m2/căn.

Với tổng diện tích 64,6 ha, khi triển khai dự án, chủ đầu tư sẽ thực hiện phát quang, dọn dẹp trên diện tích 12,9ha.

Đáng nói, trong 12,9 ha này có 12,78ha quy hoạch rừng đặc dụng do Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa quản lý và 0,12 ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng do xã Vĩnh Hải quản lý.

Đối với 12,9 ha quy hoạch rừng đặc dụng, theo kiểm kê hiện trạng có 10,6 ha rừng tự nhiên, gần 1 ha rừng trồng và 1,32 ha đất chưa có rừng.

Bộ TN&MT đang tham vấn cộng đồng cũng nêu rõ các công trình nhạy cảm, ảnh hưởng khi thực hiện Dự án khu nghỉ dưỡng Vĩnh Hy trong vòng 14 ngày, theo báo Dân Trí.

Khu đất dự án nằm trong phân khu dịch vụ – hành chính của Vườn quốc gia Núi Chúa, cách ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 50m về phía Bắc, cách khu vực trung tâm vườn quốc gia khoảng 8km.

Do vậy quá trình thi công và hoạt động của dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cảnh quan của khu vực này.

Báo cáo thống kê được ở vùng biển khu vực Núi Chúa và lân cận có 333 loài thuộc 57 giống, 14 họ của bộ san hô cứng Scleractinia.

Ngoài ra, báo cáo còn ghi nhận ở đây có bãi rùa đẻ. Hơn 3km bờ biển kéo dài từ bãi Ngang đến bãi Móng Tay ở thôn Thái An có quần thể rùa biển lên đẻ trứng.

Các dải sát ven bờ nơi rùa lên đẻ trứng thường xuyên là Bái Thịt, Bãi Ngang và Bãi Hõm. Mùa rùa đẻ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11, cao điểm là tháng 7.

Tuấn Minh