Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc liên tục bị phản ánh về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, đã có khoảng 200 container sầu riêng bị phía Trung Quốc trả lại. Việc này đang khiến loại trái cây xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam bị giảm uy tín, nguy cơ khó giữ được thị trường xuất khẩu bền vững.

sầu riêng việt nam xuất chính ngạch sang Trung Quốc sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc thitruongnongsan.gov .vn
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc liên tục bị phản ánh về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao. (Ảnh minh họa: thitruongnongsan.gov.vn)

Ngày 2/9, bà Đinh Anh Minh – Giám đốc Công ty AIKA Group (địa chỉ tại TP. Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản) nói với báo Thanh Niên rằng đầu tháng 8 công ty bà mua 2 kiện hàng với 13 quả sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam đưa về cửa hàng bán lẻ.

Trong số đó, chỉ có một quả sầu riêng chín, 2 quả bị sượng hoàn toàn, 2 quả bị non không thể chín, số còn lại thì bị nứt vỏ, cơm bị chua, khiến công ty bà chỉ thu hồi được 20% vốn.

Có nhiều năm nhập khẩu trái cây Việt Nam phân phối ở thị trường Nhật Bản, bà Lê Thị Kiều Oanh – Giám đốc Công ty Apple LCC (có văn phòng đặt tại Tokyo, Nhật Bản) cũng “dính” 1 lô hàng sầu riêng non khiến doanh nghiệp này lỗ nặng, mất khách.

Theo bà Oanh, lô hàng 2,1 tấn sầu riêng nhập khẩu Việt Nam giá 210.000 đồng/kg. Khi đến Nhật Bản, toàn bộ hàng được phân phối cho cửa hàng bán lẻ đã đặt trước.

Sau vài ngày giao hàng, đối tác tới tấp điện thoại phản ánh sầu riêng không chín, quả chín được thì cơm sống sượng, không ngọt, mùi chua… Sau đó, doanh nghiệp phải thu hồi toàn bộ sầu riêng để kiểm tra thì có 70% bị thối hỏng.

“Chỉ riêng lô hàng này, chúng tôi bị lỗ 300 triệu đồng. Sau rất nhiều lần thương lượng, đối tác Việt Nam chấp nhận chia sẻ 50% tiền lỗ nhưng thiệt hại lớn nhất chính là mất đi niềm tin, uy tín với đối tác, người tiêu dùng ở Nhật Bản”, bà Oanh nói.

Tại Tọa đàm “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 29/8 ở Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam phản ánh: “Hàng chúng ta xuất khẩu sang nước ngoài vẫn bị trả về vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng không đảm bảo. Đã có khoảng 200 container sầu riêng bị phía Trung Quốc trả lại. Phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo cho Bộ NN&PTNT về tình trạng vi phạm việc thực hiện mã số vùng trồng. Những việc này gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Ông Bình cũng lưu ý: “Một số nước như Hàn Quốc thông báo nếu vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm thì cấm vĩnh viễn luôn chứ không phải đóng cửa tạm thời để khắc phục. Mong doanh nghiệp của Việt Nam phải xác định rõ ràng mình làm thật, làm trung thực, tuân thủ chặt chẽ quy định của thị trường nước ngoài thì mới tồn tại và phát triển được”. 

Bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho biết vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng Việt Nam hiện nay là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng. Trong khi nhìn sang Thái Lan, nông dân được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, từ khi cây ra hoa, xả nhụy đã phải ghi chép, buộc dây đánh dấu, khi đủ ngày phải cắt trái kiểm tra, nếu chất lượng đảm bảo mới được phép cắt bán. Chính vì cách quản lý này nên sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất.

Liên quan đến phản ánh này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết Bộ cũng nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu về tình trạng sầu riêng bị cắt non, chất lượng không đảm bảo, sang đến thị trường nhập khẩu bị thối hỏng phải đổ bỏ. Dù số lượng các lô hàng này không nhiều nhưng tác động rất tiêu cực đến uy tín, hình ảnh sầu riêng Việt Nam. Giá trị xuất khẩu rất lớn, đầu ra tiêu thụ tương đối ổn định nên vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng là phải giữ được thị trường xuất khẩu ổn định, bền vững và xác định phải cạnh tranh với các nước khác bằng chất lượng chứ không phải bằng số lượng.

“Bộ NN&PTNT đã nhận thức rất rõ những vấn đề của ngành sầu riêng và đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng quy trình canh tác, tiêu chuẩn thu hoạch sầu riêng phải đáp ứng yêu cầu về kích cỡ, màu sắc, chất lượng ra sao, chứ không có kiểu “thu hoạch một dao”, non hay già đều cắt hết sẽ tổn hại đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu”, ông Trung nói.

Bán sầu riêng chưa chín ở Thái Lan có thể bị phạt tù

Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn việc thu hoạch và bán sầu riêng chưa chín, Thái Lan tuyên bố rằng đây là hành vi phạm tội và có thể chịu hình phạt lên đến 3 năm tù.

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã nói với những người trồng sầu riêng, người thu hoạch và thương lái rằng việc bán những quả sầu riêng chưa phát triển đầy đủ là vi phạm pháp luật.

Bộ này đã chỉ đạo Cục Khuyến nông và các văn phòng nông nghiệp tỉnh ở các tỉnh Trat, Chanthaburi và Rayong – những vùng trồng sầu riêng trọng điểm của Thái Lan đảm bảo chỉ thu hoạch những quả sầu riêng chín.

Khánh Vy (t/h)