Tập đoàn FLC còn nợ trái phiếu khoảng gần 1.000 tỷ đồng, sau khi doanh nghiệp này cũng mua lại trước hạn một lượng hơn 980 tỷ đồng thời gian gần đây.

Tập đoàn FLC, FLC chậm công bố thông tin, FLC công bố thông tin cải chính
(Ảnh chụp màn hình: vtc.gov.vn)

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) đã công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn 153 tỷ đồng của mã FLCH2123003 trong khoảng thời gian từ ngày 30/12/2020 – 15/9/2023.

Bên cạnh đó, FLC đã mua lại toàn bộ lượng trái phiếu đang lưu hành của lô FLCH2124002 với 430 tỷ đồng từ 23/9/2022 – 31/12/2022 và lô FLCH2023001 có giá trị 400 tỷ đồng từ 25/8/2022 – 30/11/2022.

Hai lô trái phiếu trên đều có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn ngày 4/10/2024.

Tổng giá trị trái phiếu được FLC mua lại ở ba lô trên là 983 tỷ đồng.

Như vậy, theo dữ liệu từ Cbonds, số dư trái phiếu còn lại của tập đoàn này là khoảng 997 tỷ đồng.

Tại buổi họp bất thường đầu tháng 3, cổ đông FLC đã đồng ý các phương án giãn tiến độ thanh toán trái phiếu và hoán đổi bằng bất động sản.

“Các phương án này nằm trong chủ trương tái cấu trúc tài chính nói chung của FLC, còn trên thực tế, liên quan đến các nghĩa vụ về trái phiếu, FLC hiện đang là một trong những doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng nợ thấp nhất thị trường”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Chí Công nhận định.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023, cổ đông đã thông qua phương án tái cấu trúc của tập đoàn gồm: Tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, liên doanh/liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án.

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ linh hoạt trong phương án huy động vốn, tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tinh giản bộ máy, xử lý nợ xấu, giải quyết sạch về công nợ, duy trì và phát triển hoạt các hoạt động, các lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn…

Với các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư, Đại hội đồng cổ đông chấp thuận đưa vào chi phí một lần và theo dõi ngoại bảng với các khoản nợ xấu khó đòi; đồng thời thực hiện trích lập dự phòng 100% với các khoản hiện đang cần xem xét, đàm phán để thu về.

Năm 2023, FLC dự kiến định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.

Từ quý 4/2022 đến nay, các thông tin tình hình kinh doanh của FLC không được công bố. Tại thời điểm cuối quý 3/2022, quy mô tài sản của FLC là 36.216 tỷ đồng. Chiếm hơn 43% tài sản là khoản phải thu ngắn hạn, chủ yếu là phải thu từ cho vay (7.396 tỷ).

Khoản tiền mặt tại ngày 30/9/2022 là 249 tỷ đồng. Doanh nghiệp đi vay tổng cộng 5.016 tỷ đồng cuối quý 3/2022, chủ yếu là dư nợ từ các ngân hàng. Vốn chủ sở hữu còn 7.945 tỷ, trong đó lợi nhuận luỹ kế là 195 tỷ.

Liên quan tới FLC, doanh nghiệp vừa thông báo đã nhận 19 quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế của Cục thuế TP Hà Nội bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tại các ngân hàng. Tổng số tiền bị cưỡng chế khoảng gần 82 tỷ đồng từ các tài khoản của FLC tại nhiều ngân hàng.

Ở diễn biến khác, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) trong động thái mới nhất đã có thông báo đơn vị được ủy thác đã hoàn tất thu về toàn bộ số công nợ từ Tập đoàn FLC với số tiền hơn 304 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 12/10/2023, HBC đã thu hồi tổng cộng số tiền hơn 304 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt với tổng số tiền hơn 270 tỷ đồng, bất động sản tại dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn được chuyển nhượng cho HBC để cấn trừ cho 34 tỷ đồng nợ còn lại.

Tuấn Minh