Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cho biết đã thu hồi được 220 tỷ đồng trên tổng số 285 tỷ đồng tiền công nợ của Tập đoàn FLC với hạn cuối là tháng 4/2022. Bên cạnh đó, một doanh nghiệp bất động sản Nhật Bản vừa đàm phán mua 5 triệu cổ phiếu HBC để trở thành cổ đông chiến lược.

tap doan xay dung hoa binh thu no FLC FLC tra no xay dung hoa binh 633075059
Năm 2022, Tập đoàn HBC đặt mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Trong Nguyen/Shutterstock)

Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của HBC vào ngày 25/4, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn HBC cho biết đến nay đã có thể thu hồi 220 tỷ đồng trên tổng số nợ phải thu 285 tỷ đồng của Tập đoàn FLC. Thời hạn thanh toán cuối tháng 4/2022.

Trong trường hợp phía tập đoàn FLC không thực thi đúng, HBC sẽ buộc phải yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành theo quy định pháp luật, ông Hải cho biết thêm.

Trước đó, năm 2014, HBC và FLC đã ký các hợp đồng để thi công xây dựng Khu Fusion và khu Alacarte của dự án Khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn. HBC thực hiện hợp đồng này từ năm 2014, kết thúc cuối năm 2015 và công trình này được FLC đưa vào sử dụng. Tuy vậy, FLC chưa thanh toán xong công nợ nên HBC khởi kiện ra tòa.

Đến cuối năm 2020, Toà án nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bác đơn phản tố và buộc FLC thanh toán 42 tỷ đồng cho HBC. Kế đến, Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC) cũng quyết định tương tự và buộc FLC thanh toán gần 235 tỷ đồng, theo báo Dân Trí.

Đầu năm 2021, do không đồng tình kết quả trên, FLC đã gửi yêu cầu hủy phán quyết lên TAND TP.HCM. Ngoài ra, FLC khởi kiện ngược lại HBC, đòi bồi thường 80 tỷ đồng vì vi phạm về tiến độ (chậm ít nhất 110 ngày) và chất lượng xây dựng.

Đến tháng 6/2021, trên tinh thần tự nguyện, HBC và FLC đã đạt được thoả thuận giải quyết toàn bộ vụ án.

Tại cuộc họp cổ đông hôm 25/4, ông Lê Viết Hải cho biết nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động, HĐQT công ty đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ số lượng 74 triệu cổ phiếu.

Trong đó, Tập đoàn HBC cho biết đã đạt được thỏa thuận với một đối tác là nhà đầu tư bất động sản Nhật Bản, số lượng cổ phần HBC dự kiến chuyển nhượng là 5 triệu đơn vị, mức giá thỏa thuận 32.500 đồng mỗi cổ phiếu. Nếu thành công, đối tác này sẽ trở thành cổ đông chiến lược của tập đoàn.

Ngoài ra, HBC cũng có kế hoạch phát hành tổng cộng 7,55 triệu cổ phiếu cho nhân viên (ESOP) vốn bị hoãn lại các năm qua.

Về tình hình tài chính của HBC, các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận đều giảm so với thời điểm trước dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán), song lại tăng nhẹ so với năm 2020.

Cụ thể, tổng tài sản của HBC năm 2021 đạt hơn 16.576 tỷ đồng, tăng 6,6% so với 2020, vốn chủ sở hữu ở mức 4.056 tỷ đồng, giảm 2,2% so với năm 2020.

Doanh thu thuần của năm 2021 là 11.355 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch, tăng 1% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 102,9 tỷ đồng, đạt 42,7% kế hoạch, tăng 19,3% so với năm 2020.

Năm 2022, HBC đặt mục tiêu 17.500 tỷ đồng tổng doanh thu, 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 54% và 261% so với năm 2021.

Cũng tại cuộc họp trên, Tổng giám đốc Tập đoàn HBC Lê Viết Hiếu cho biết ước tính quý 1/2022, HBC đạt 2.900 – 3.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận từ 10-20 tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 4, tổng giá trị trúng thầu đối với các dự án của tập đoàn này là 9.300 tỷ đồng, trong khi kế hoạch năm nay là 20.000 tỷ đồng nên việc hoàn thành kế hoạch được ông Hiếu đánh giá khả thi.

Tuyết Minh