Cho rằng nhu cầu vật liệu san lấp tại tỉnh Quảng Ninh rất lớn và cấp bách, Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu và Công ty Cổ phần Thiên Nam đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép khai thác đất đá thải từ các mỏ than làm vật liệu san lấp. 

dat da thai mo than lam vat lieu san lap
Đất đá thải mỏ Bắc Bàng Danh (Công ty CP Than Hà Tu) đã nằm trong danh sách dự kiến khai thác vào dự án san lấp trong tỉnh. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Ngày 1/8, Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – TKV) có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho phép thu hồi, sử dụng đất đá thải mỏ trong quá trình khai thác than làm vật liệu san lấp.

Lý do đưa ra là do nhu cầu sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp cho các dự án tại tỉnh Quảng Ninh rất lớn và cấp bách.

Hiện TKV đã hoàn thành quy hoạch khu vực hoạt động khai thác, sử dụng đất đá thải trong quá trình khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn TKV tại tỉnh Quảng Ninh theo yêu cầu của UBND tỉnh (văn bản 8769 ngày 23/12/2020). Tập đoàn TKV cũng đã lập, phê duyệt phương án thu hồi, sử dụng đất đá thải mỏ Cọc Sáu làm vật liệu san lấp ở TP. Cẩm Phả – Vân Đồn.

Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu được Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác than từ năm 2008 theo phương pháp lộ thiên tại các vỉa than thuộc khu vực mỏ Cọc Sáu (phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả). Đất đá thải mỏ trong quá trình khai thác được đổ thải tại các bãi thải mỏ theo quy hoạch số 3033 do UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.

Tương tự, ngày 18/8, Công ty cổ phần Thiên Nam cũng đề nghị Bộ TN&MT cấp phép cho tận dụng đất đá thải tại mỏ Mông Dương để sản xuất cát nghiền nhân tạo làm vật liệu san nền. Dự kiến có 4 dây chuyền, công suất 600 tấn/giờ/dây chuyền.

Bộ TN&MT cho biết bộ này đã có nhiều văn bản hướng dẫn Quảng Ninh sử dụng đất đá trong quá trình khai thác than làm vật liệu san lấp.

Bộ TN&MT đã soạn thảo Nghị định sửa đổi các quy định cũ và trình Chính phủ, dự kiến thông qua tháng 9/2023 làm cơ sở pháp lý cho các đơn vị sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, tuy nhiên phải tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng khai thác đất đá thải để “tuồn” than từ mỏ ra ngoài tiêu thụ.

Ngoài ra, việc sử dụng đất, đá từ bãi thải của mỏ than nào, vị trí ở đâu, bãi thải đang hoạt động hay bãi thải thuộc các mỏ đã được đóng cửa mỏ; bãi thải đã dừng đổ thải hay sử dụng trực tiếp đất đá trong quá trình khai thác than cần phải được xem xét, đánh giá cụ thể về công nghệ, phương pháp khai thác, tác động đến môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển đất, đá thải mỏ.

Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đề xuất cơ quan trung ương cho phép khai thác đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Lý do hàng năm loạt mỏ than đổ ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, chiếm dụng hàng nghìn ha đất ở TP Hạ Long, Cẩm Phả, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường.

Trong 2 năm qua, Bộ TN&MT đã cho phép khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ tại 4 dự án với khối lượng khoảng 12,4 triệu m3, gồm Bãi thải vỉa 14 cánh tây của Công ty CP Than Núi Béo (cho dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả); Bãi thải Tây Khe Sim – Tây Lộ Trí của Tổng Công ty Đông Bắc (cho dự án khu du lịch, dịch vụ Bái Tử Long); Bãi thải Suối Lại của TKV (cho các dự án công trình dân dụng và đô thị tại TP. Hạ Long); Bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc (cho dự án đường ven sông đoạn Uông Bí – Đông Triều).

Các bãi thải khai thác than ở Quảng Ninh hiện phân bố nhiều nhất là ở TP. Cẩm Phả, tiếp đến là tại TP. Hạ Long, Uông Bí, thị xã Đông Triều. Tổng diện tích các bãi thải ở Quảng Ninh là hơn 4.000ha, hiện đã chứa hơn 1,375 tỷ m3, dự kiến giới hạn cao nhất là khoảng 2,125 tỷ m3. Hiện tại, các đơn vị khác thác than lộ thiên đổ thải khoảng 150 triệu m3 mỗi năm.

Nguyễn Minh