Sở Công thương TP.HCM cho biết dự kiến sẽ xây dựng sàn giao dịch thịt heo với hai loại hình là hợp đồng giao ngay và giao dịch kỳ hạn. Cũng theo cơ quan này, thành phố hiện tiêu thụ khoảng 10.000 con heo mỗi ngày.

san giao dich thit heo gia heo giet mo heo tphcm
Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ được thiết kế với công suất khoảng 3.200 con/ngày. (Ảnh: Nguyễn Thủy/chicuccntyhcm.gov.vn)

Chiều hôm 14/8, Sở Công thương TP.HCM, Sở NN&PTNT TP.HCM và Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng sàn giao dịch thịt heo, bao gồm hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán, trung tâm thanh toán bù trừ, trung tâm giao nhận hàng hóa, cung cấp thông tin thị trường và giao dịch các loại hợp đồng theo tiêu chuẩn.

Theo Sở Công thương TP.HCM, tính khả thi của sàn giao dịch thịt heo này rất cao khi thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 con heo mỗi ngày, có chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, có hai chợ đầu mối lớn là Hóc Môn và Bình Điền.

Phía người chăn nuôi sẽ tham gia trực tiếp, sâu hơn vào chuỗi cung ứng thịt heo, được tiếp cận các thông tin để sản xuất phù hợp thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhận được lợi ích nhiều hơn từ chuỗi giá thị các mặt hàng thịt heo.

Hiện nay, thị trường thịt heo tại TPHCM có quy mô gần 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, thương lái chiếm đến 85% giao dịch và đóng vai trò chi phối giá cả trên thị trường, theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn có nhiều hạn chế như sản phẩm không đồng bộ về chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn; giết mổ còn thủ công, không bảo đảm vệ sinh dịch tễ, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang áp đảo doanh nghiệp trong nước và các hộ gia đình trên thị trường thịt heo, ước tính doanh nghiệp FDI chiếm 43% nguồn cung cấp mặt hàng này.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát…) và các doanh nghiệp FDI (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest…) tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi khép kín.

Riêng năm 2022, có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD (chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam).

Cả nước có 467 cơ sở sản xuất và cung cấp lợn giống với 240 cơ sở nuôi giữ lợn nái giống cụ kỵ (GGP), ông bà (GP), trong đó các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong nước có 116 cơ sở với tổng đàn nái trên 48.000 con, chiếm 48,3% tổng cơ sở giống và 35% tổng đàn nái GP, GGP trong cả nước.

Các doanh nghiệp FDI (CP, Japfa Comfeed …) có 124 cơ sở với tổng đàn nái có trên 89.000 con, chiếm 51,6% tổng số cơ sở giống và 65% tổng đàn nái GP, GGP của cả nước. Năm 2022, cả nước có khoảng 74,900 con lợn đực giống. Trong đó, số lợn đực sản xuất tinh để phối giống nhân tạo là khoảng 35.900 con (chiếm 48%); đàn lợn đực giống phối trực tiếp là khoảng 38.900 con (chiếm 52%), chủ yếu nuôi trong dân.

Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 cho thấy doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%, theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank.

Tuấn Minh