Theo số liệu của Bộ Công thuơng, xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng của năm 2023 đạt 322,5 tỷ USD giảm 6% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất & nhập khẩu từ đầu năm ở mức thấp nhất trong 3 năm qua.

cang cai mep cang bien viet nam xuat khau nhap khau xuat nhap khau 2289150125
Tổng giá trị xuất & nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023 đạt gần 620 tỷ USD, giảm 8,3% cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa: Mariusz Bugno/Shutterstock)

Theo Bộ Công thương, tính chung 11 tháng, xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ 2022. Mức suy giảm được thu hẹp, bằng một nửa so với đầu năm (giảm 12% so với cùng kỳ).

Số liệu của Bộ này cũng cho thấy nhập khẩu tháng 11 chỉ tăng 1% so với tháng trước, đạt 30 tỷ USD. Lũy kế 11 tháng, chỉ tiêu này đạt gần 297 tỷ USD, thấp hơn 11% cùng kỳ năm trước.

Khu vực kinh tế trong nước và nước ngoài vẫn ghi nhận xu hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc, hàng hóa hạ 9% và 11,7% so với năm ngoái.

Như vậy, tổng giá trị xuất & nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023 đạt gần 620 tỷ USD, giảm 8,3% cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất cùng kỳ trong 3 năm qua.

Xét ở khía cạnh sản xuất, đơn hàng xuất của các lĩnh vực chủ lực (dệt may, da giày, thủy sản, gỗ..) vẫn khó khăn, khiến lượng nhập nguyên liệu, máy móc thấp hơn 10,4% so với năm ngoái, gần 263 tỷ USD.

Trừ máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện tăng 4% (khoảng 79 tỷ USD), hầu hết các mặt hàng chủ lực, là đầu vào sản xuất đều giảm hai con số.

Ví như điện thoại các loại và linh kiện giảm xấp xỉ 59%; thép hơn 18%, vải 14%. Nhóm hàng cần kiểm soát cũng giảm 17,5%, gần 17 tỷ USD.

Về thị trường, phần lớn các thị trường xuất khẩu chính đều sụt giảm. Mỹ là nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng, đạt trên 88 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ 2022. Trung Quốc đứng thứ 2 với gần 56 tỷ USD.

Tương tự, hàng xuất sang các thị trường truyền thống khác như EU, ASEAN hay Hàn Quốc đều giảm 4-8%. Song nhờ mở rộng và khai thác các thị trường mới, hàng Việt sang các nước Tây Á tăng 7,3%, đạt 7,2 tỷ USD; châu Phi tăng 4%.

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, gần 100 tỷ USD trong 11 tháng. Tiếp theo, Hàn Quốc và ASEAN lần lượt 48 tỷ và 37,6 tỷ USD.