Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) báo lỗ lớn, cho biết do cổ tức được chia giảm, chi phí khác tăng do thực hiện thanh lý tài sản (bán tàu) và tiếp tục xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả.

Vinalines báo lỗ
Vinalines báo lỗ ròng trong quý 2 là 495,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước mức thua lỗ là 107,2 tỷ đồng. (Ảnh: vinalines.com.vn)

Vinalines vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 với doanh thu 5.558 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tương ứng giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp tăng nhẹ, ở mức 768 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong kỳ phát sinh chi phí thanh lý tài sản cố định, làm chi phí khác tăng đột biến lên gần 456 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước chỉ có 61 tỷ đồng).

Kết quả, Vinalines báo lỗ ròng trong quý 2 là 495,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước mức thua lỗ là 107,2 tỷ đồng.

Theo giải trình, Vinalines cho biết mức lỗ tăng là do cổ tức được chia giảm đồng thời chi phí khác tăng do thực hiện thanh lý tài sản (bán tàu) và tiếp tục xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả.

Lũy kế lỗ sau thuế nửa đầu năm lên đến 633 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty vẫn lãi hơn 42 tỷ đồng nhờ đóng góp lớn của nguồn thu tài chính. Tính chung mức lỗ lũy kế đến hết tháng 6/2019 của công ty là 3.640,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 2/2019, Vinalines còn đầu tư nắm giữ ngắn hạn 3.450 tỷ đồng. Ngược lại, tổng dư nợ vay ghi nhận lên đến 8.101 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng hơn 5.361 tỷ đồng.

Vinalines được thành lập năm 1995, có 22 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 2 công ty cổ phần, 9 công ty liên doanh với nước ngoài; vốn điều lệ 1.496 tỷ đồng.

Tại vụ án Vinalines (2012), kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết Vinalines đã sử dụng nguồn vốn huy động từ trái phiếu sai mục đích, quản lý nguồn vốn, quản lý nợ phải thu chưa tốt, có khoản nợ với số tiền 23.062 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD).

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ tái phê duyệt tổ chức và hoạt động của Vinalines, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, có vốn điều lệ 10.693 tỷ đồng, có 11 đơn vị trực thuộc, 35 công ty con và 35 công ty liên kết.

Thanh tra Bộ Giao thông – Vận tải cho biết tính đến ngày 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của Vinalines đạt 6.423 tỷ đồng vào năm 2016, sau khi bị âm  8.727 tỷ đồng do thua lỗ.

Theo phương án cổ phần hóa Vinalines vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm 65% vốn điều lệ, bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8%. Cụ thể, sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ của Vinalines sẽ tăng lên hơn 14.046 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn Nhà nước là hơn 11.946 tỷ đồng.

Sơn Nguyên

Xem thêm: