Người ta thường sử dụng công thức “chiều cao mục tiêu” để dự đoán chiều cao của trẻ, nhưng cuối cùng chiều cao không ít bé vẫn còn một khoảng cách vài cm so với chiều cao theo công thức tính. Do vậy, mặc dù di truyền là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chiều cao nhưng chắc chắn đó không phải là yếu tố duy nhất!

chiều cao
Chiều cao của mỗi người có phải chỉ là do di truyền từ cha mẹ? (Ảnh: Africa Studio/ ShutterStock)

1. Giữa cha và mẹ, vai trò di truyền của bên nào chủ yếu hơn?

Trên thực tế, với tiền đề cân bằng dinh dưỡng, 90% chiều cao của trẻ có liên quan đến di truyền của cha mẹ. Vậy thì giữa di truyền của cha và của mẹ, bên nào quan trọng hơn? Thông thường chúng ta sử dụng một công thức để dự đoán chiều cao của trẻ, được gọi là “chiều cao mục tiêu”. Công thức như sau:

Con trai = (chiều cao của bố + chiều cao của mẹ + 13 cm)/2

Con gái = (chiều cao của bố + chiều cao của mẹ – 13 cm)/2

Nhưng vấn đề thường thấy là, sau những tính toán như vậy cuối cùng chiều cao không ít bé vẫn còn một khoảng cách vài cm so với chiều cao thực tế theo công thức tính. Do vậy, mặc dù di truyền là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chiều cao nhưng chắc chắn đó không phải là yếu tố duy nhất!

Thay vì tranh cãi xem giữa cha và mẹ thì bên nào đóng góp nhiều hơn vào chiều cao, tốt hơn hết mỗi chúng ta nên hiểu đúng cấu trúc sinh lý của chiều cao! Thực tế, mấu chốt để xác định chiều cao chính là “tấm tăng trưởng”! Tấm tăng trưởng là các mô mềm trong suốt nằm ở đầu xương của các chi, đầu trên và dưới của cột sống, đó là những nơi tăng trưởng thúc đẩy chiều cao tăng lên. Vì vậy, một khi tấm tăng trưởng lên đến hết mức thì dù có bổ sung bao nhiêu hormone tăng trưởng bên ngoài thì mục đích tăng chiều cao cũng không thể đạt được.

Với tiền đề về tình trạng dinh dưỡng (cân bằng), 70% quyền chủ động về chiều cao của trẻ nằm trong tay cha mẹ, di truyền của cha mẹ là yếu tố chính quyết định chiều cao của trẻ, bởi trong yếu tố quyết định chiều cao của trẻ thì 35% là từ bố và 35% là từ mẹ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý: Nếu cả bố và mẹ đều không cao thì vẫn còn đó tới 30% nằm ở chế độ chăm sóc.

chiều cao
(Ảnh: Evgeny Atamanenko/ Shutterstock)

2. Kích thích chiều cao từ bào thai là mấu chốt?

Như nhiều người thường trông mong, hy vọng con trai sẽ thành rồng và con gái sẽ trở thành phượng. Cha mẹ hy vọng rằng con trai của họ sẽ cao lớn và con gái của họ sẽ vừa cao vừa xinh đẹp. Theo đó ngày càng có nhiều người không chỉ tìm kiếm những bí quyết tăng chiều cao trong thời kỳ trẻ trưởng thành mà thậm chí còn nghĩ rằng nên bồi bổ chiều cao cho bé từ thời kỳ bào thai, vì cho rằng nếu chiều cao khi sinh cao hơn những trẻ khác thì giống như đã chiến thắng ở điểm khởi hành!

Điều này liệu có đúng không?

Thật vậy, bào thai trong bụng mẹ có thể xem là giai đoạn chiều cao phát triển nhanh trong chu kỳ sinh trưởng. Nếu thai nhi không nhận đủ dinh dưỡng hoặc nhau thai của mẹ bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố nào đó thì em bé khi chào đời sẽ nhỏ và nhẹ hơn dự kiến.

Ví dụ: Giai đoạn thai kỳ từ 3 – 6 tháng thai nhi đang phát triển nhanh nhất, giai đoạn này nếu người mẹ hút thuốc hoặc uống rượu thì nhau thai sẽ bị ảnh hưởng khiến trẻ sơ sinh thấp bé, nhẹ cân hơn, chiều cao và cân nặng nhỏ hơn so với dự kiến. Nghiên cứu khác cho thấy nếu mẹ quá béo phì hoặc suy dinh dưỡng khi mang thai thì chiều cao và cân nặng của trẻ sơ sinh sẽ không được như mong đợi.

Tuy nhiên, ngay cả với những trẻ sơ sinh gặp bất lợi khi sinh ra, hầu hết trẻ vẫn có thể đạt được chiều cao dự kiến ​​ban đầu nhờ điều chỉnh sau sinh! Vì vậy, bổ sung dinh dưỡng hợp lý khi mang thai và duy trì lượng hormone tiết ra bình thường ổn định sau khi sinh là hai con đường để phát triển chiều cao!

3. Bổ sung canxi quan trọng hơn bổ sung protein?

Thực ra canxi và protein đều quan trọng như nhau, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn vàng tăng trưởng sẽ giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt hơn!

Nhưng hãy lưu ý bé trai và bé gái rất khác nhau về thời kỳ vàng để tăng chiều cao.

Bé trai

Tăng trưởng bắt đầu ở độ tuổi từ 11 – 14 và đạt đỉnh thường là ở tuổi 15, sau đó tốc độ tăng trưởng chậm lại và dừng lại ở độ tuổi 20 – 21 tuổi. Các đặc trưng sinh lý tiếp theo sẽ xuất hiện là tinh hoàn to ra, sau đó dương vật dài và dày hơn, lông mu bắt đầu xuất hiện, dần dần lông mu ngày càng dày hơn, cuối cùng là giọng nói thay đổi và có râu.

Bé gái

Tăng trưởng bắt đầu ở độ tuổi từ 9 – 11 và đạt đỉnh điểm vào khoảng 12 tuổi, sau đó chậm lại và dừng lại ở độ tuổi 15 – 18. Các đặc trưng sinh lý tiếp theo sẽ xuất hiện là ngực nở ra, đôi khi sẽ cảm thấy có khối u ở ngực, vì trong nhiều trường hợp không nhất thiết phát triển cân đối đồng thời, sau đó bắt đầu mọc lông mu và lông nách, dần dần lông mu sẽ ngày càng dày hơn và cuối cùng là bắt đầu có kinh nguyệt.

Khi tốc độ tăng trưởng tăng lên, nhu cầu về canxi và protein của trẻ sẽ tăng lên. Vì vậy thông thường cố gắng bổ sung thêm thực phẩm giàu canxi như các sản phẩm từ đậu nành, hải sản, hạt vừng; ngoài ra trẻ cũng có thể ăn thêm thực phẩm giàu protein như trứng, các sản phẩm từ sữa, thịt bò, thịt gà.

Protein: Thúc đẩy phát triển các cơ quan nội tạng, cơ bắp, dây thần kinh, nâng cao khả năng miễn dịch.

Canxi: Nhu cầu canxi hàng ngày đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là 500 – 600 mg, đối với thanh thiếu niên là 1200 mg, thiếu canxi có thể làm giảm tính ổn định của màng tế bào khiến tay chân dễ bị chuột rút, bổ sung canxi có thể thúc đẩy sự phát triển của xương và giúp giảm thiểu xảy ra dị ứng.

Ngoài canxi và protein thì còn một số chất dinh dưỡng quan trọng khác như vitamin, khoáng chất… Ví như vitamin A có tác dụng thúc đẩy hoạt tính của tế bào sụn, vitamin D giúp hấp thu canxi (các chất dinh dưỡng này có thể được hấp thụ qua chế độ ăn uống). Vì vậy, các bậc cha mẹ cũng có thể cho trẻ ăn thêm cần tây, cà chua, ớt xanh, rau bina, cà rốt, súp lơ, khoai tây… Nếu nhóm thực phẩm chính của trẻ có thể bổ sung thêm nhiều loại lương thực phụ nhóm ngũ cốc (đậu nành, ngô…) sẽ có kết quả tốt hơn.

Đối với trẻ em, thực phẩm bổ sung là cách tốt nhất và an toàn nhất, các bậc cha mẹ cố gắng nhờ tư vấn từ chuyên gia y tế để xây dựng thực đơn bổ sung phù hợp nhất cho con, quá nhiều hoặc quá ít một loại nào đó đều không hay. Ví dụ bổ sung quá nhiều chất sẽ làm tăng mật độ xương, hoặc rối loạn hormone tăng trưởng… khiến lợi bất cập hại.

Bài viết của bác sĩ Wen-Ya Peng (Đài Loan)