Nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy tắm suối nước nóng sẽ khiến cơ thể phản ứng lại với sự gia tăng nhiệt độ, có thể làm thay đổi quá trình tiết hormone trong cơ thể, thời gian tắm càng dài thì cơ thể càng tăng khả năng chống lại căng thẳng tốt hơn.

suối nước nóng
Ngâm mình trong suối nước nóng vào ban đêm không chỉ có thể giúp giảm tỷ lệ tổn thương gan mãn tính và huyết áp cao mà còn cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ do căng thẳng lâu ngày gây ra. (Ảnh: jazz3311/ Shutterstock)

Đã từ lâu đời, người Nhật có truyền thống ngâm mình trong suối nước nóng để chữa bệnh. Nó không chỉ có tác dụng giải tỏa căng thẳng, thư giãn, chăm sóc sức khỏe, giúp con người cảm thấy thoải mái về thể chất và tinh thần mà còn có tác dụng làm đẹp. Dựa trên một phân tích dữ liệu cho thấy ngâm mình trong suối nước nóng vào buổi chiều tối có thể cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ và ngăn ngừa huyết áp cao.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, hơn 60% người trên 50 tuổi ở Nhật Bản mắc bệnh cao huyết áp.

Vào ngày 30/11 năm nay, nhóm nghiên cứu của ông Yamazaki Satoshi, giảng viên cao cấp về Kinh tế & Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Hiệu suất Trường Kinh doanh và Kinh tế Tasmania, đã công bố một kết quả khảo sát: Ngâm mình trong suối nước nóng sau 7 giờ tối có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ở người già trên 65 tuổi.

Từ năm 2011, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát bằng bảng câu hỏi đối với hơn 10.000 người từ 65 tuổi trở lên tại thành phố Beppu, tỉnh Oita, Nhật Bản. Họ đã phân tích dựa trên 2 khía cạnh là bệnh tật và sinh hoạt. Trong đó khía cạnh bệnh tật bao gồm: độ tuổi, giới tính và tiền sử bệnh tật như trầm cảm, bệnh tim, thiếu máu cục bộ, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh gút, hen suyễn, tiểu đường, tăng lipid máu, thận, viêm gan mãn tính, v.v.. 

Khía cạnh sinh hoạt, gồm cả những thói quen tắm rửa trong suối nước nóng cũng được phân tích như: tần suất, thời gian ngâm mình, số năm tắm theo thói quen, thời gian tắm theo thói quen và loại suối nước nóng, v.v.

Kết quả đã chứng minh rằng tỷ lệ cao huyết áp giảm thấp ở những người cao tuổi này có mối quan hệ trực tiếp đáng kể với việc tắm suối nước nóng từ khoảng 7 giờ tối đến 11 giờ tối. Phân tích cho thấy, ngâm mình trong suối nước nóng vào ban đêm không chỉ có thể giúp giảm tỷ lệ tổn thương gan mãn tính và huyết áp cao mà còn cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ do căng thẳng lâu ngày gây ra.

Báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng tắm suối nước nóng sẽ khiến cơ thể phản ứng lại với sự gia tăng nhiệt độ, có thể làm thay đổi quá trình tiết hormone trong cơ thể, thời gian tắm càng dài thì cơ thể càng tăng khả năng chống lại căng thẳng tốt hơn.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên trang web của Tạp chí Scientific Reports của Anh vào ngày 14/11 năm nay.

Liệu pháp suối nước nóng truyền thống

suối nước nóng
Suối Nước Nóng Núi Lửa Tự Nhiên ở Hokkaido, Nhật Bản. (Ảnh: Cascade Creatives/ Shutterstock)

Vào thời Nara của Nhật Bản (710-794) đã xuất hiện liệu pháp suối nước nóng, trong các tài liệu cổ như ‘Nihon Shoki’ ‘Fudoki’ đều có ghi chép về nó.

Người ta gọi việc tắm suối nước nóng là ‘Thang Trị’, “thang” ở đây là tắm thuốc, còn “trị” là trị liệu, sau này mới được gọi là liệu pháp suối nước nóng. Việc ngâm mình trong suối nước nóng, tắm thuốc, hoặc tắm đá (tắm hơi) để đổ mồ hôi, với mục đích là chữa bệnh.

Vào năm Showa thứ 23 (1948), chính phủ Nhật Bản đã ban hành “Luật suối nước nóng”, quy định rằng nước nóng phun ra từ lòng đất phải có nhiệt độ trên 25°C và nước hoặc hơi nước phải chứa một số thành phần nhất định, chẳng hạn như sắt, ion hydro và quặng lưu huỳnh. Mỗi kg nước suối chứa hơn 1 gam chất hòa tan nói trên thì có thể được coi là suối nước nóng tự nhiên.

Theo Viện khoa học y tế suối nước nóng, hiệu quả của suối nước nóng thay đổi tùy theo thành phần chất lượng của suối và những tác dụng chữa bệnh khác nhau. Suối nước nóng được chia thành 10 loại theo chất lượng nước bao gồm: suối nước nóng đơn giản, suối axit cacbonic, suối bicacbonat, suối sunfat, suối chứa sắt, suối chứa iốt, suối muối, suối axit, suối phóng xạ và suối lưu huỳnh.

Các loại nước suối khác nhau có tác dụng với những loại bệnh khác nhau. Ví dụ, suối axit cacbonic có tác dụng nhất định trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tim, huyết áp cao và xơ cứng động mạch; suối bicacbonat có thể dưỡng ẩm cho da và làm mềm lớp biểu bì. Suối lưu huỳnh có thể làm giảm các bệnh mãn tính về da. Suối muối thì giúp cải thiện tình trạng tay chân lạnh, thiếu máu, viêm phế quản dị ứng và các triệu chứng khác. 

Khi mạch nước chứa sắt phun ra sẽ không màu và trong suốt, sau khi tiếp xúc với oxy sẽ chuyển sang màu nâu trà, hiệu quả cũng sẽ yếu đi. Đối với thiếu máu, chứng phong thấp,… các thành phần khác nhau có thể thúc đẩy tuần hoàn máu. Ngoài ra nó còn có tác dụng làm dịu nhất định đối với đột quỵ và đau dây thần kinh ngoại biên. Còn suối sunfat thì có thể ngăn ngừa xơ cứng động mạch và có tác dụng an thần.

Suối nước nóng không chỉ có thể điều hòa cơ thể mà còn giúp thư giãn tâm trí. Có rất nhiều suối nước nóng lộ thiên, nơi bạn có thể ngắm hoa anh đào vào mùa xuân, lá phong vào mùa thu và tắm tuyết vào mùa đông, sự kết hợp hoàn hảo giữa con người và thiên nhiên, khiến mọi người có thể thư giãn cơ thể và tinh thần. Đắm mình trong thiên nhiên và tận hưởng những món quà của thiên nhiên là liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời nhất.