Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Ba (16/4) rằng các cường quốc thế giới nên tập trung vào việc khôi phục hòa bình và ổn định ở Ukraine thay vì tìm kiếm “những lợi ích ích kỷ”.

Tap Can Binh 1 2
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ ký kết với người đồng cấp Nga sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 21/3/2023. (Ảnh VLADIMIR ASTAPKOVICH/SPUTNIK/AFP, Getty Images)

Thủ tướng Olaf đã đến Trung Quốc vào Chủ nhật (14/4), cùng với một phái đoàn lớn gồm các bộ trưởng và giám đốc điều hành doanh nghiệp.

Gặp ông Scholz tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, ông Tập nói với nhà lãnh đạo Đức rằng tất cả các bên nên hợp tác cùng nhau để khôi phục hòa bình ở Ukraine càng sớm càng tốt. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nêu ra 4 nguyên tắc mà ông tin rằng sẽ ngăn xung đột leo thang.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói: “Đầu tiên, chúng ta nên ưu tiên duy trì hòa bình, ổn định và kiềm chế tìm kiếm lợi ích ích kỷ”.

Theo ông Tập, bước tiếp theo sẽ là ngừng “thêm dầu vào lửa”, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc khôi phục hòa bình.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi giảm thiểu tác động của cuộc xung đột đối với nền kinh tế toàn cầu và các bên “kiềm chế làm suy yếu sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”.

Ông Scholz, người có chuyến đi ba ngày tới Trung Quốc và là chuyến đi thứ hai kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2021, nói với Tập rằng ông sẵn sàng thảo luận về “cách chúng tôi có thể đóng góp nhiều hơn cho nền hòa bình công bằng ở Ukraine”. Thủ tướng nói thêm rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra đã ảnh hưởng đến “lợi ích cốt lõi” của Đức và làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cũng như thương mại toàn cầu.

Theo ông Scholz, sự thù địch cũng có tác động tiêu cực đến an ninh châu Âu và có nguy cơ làm tổn hại “toàn bộ trật tự quốc tế”.

Trung Quốc, vốn luôn khẳng định mình trung lập trong cuộc xung đột Ukraine, đã bị phương Tây chỉ trích vì từ chối lên án hoạt động quân sự của Moscow.

Mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh đã được củng cố kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, khi hai nước tăng cường hợp tác kinh tế và quan hệ ngoại giao.

Bắc Kinh từ lâu đã thúc giục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, đồng thời ban hành kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm chấm dứt tình trạng thù địch nhân dịp kỷ niệm một năm xung đột vào tháng 2/2023.

Sáng kiến này được Moscow ca ngợi, bao gồm lời kêu gọi chấm dứt thù địch, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia.

Trái ngược với đề xuất chấm dứt giao tranh của Bắc Kinh, công thức hòa bình 10 điểm của Kiev được Tổng thống Vladimir Zelensky đưa ra lần đầu tiên vào mùa thu năm 2022 yêu cầu lực lượng Nga rút lui hoàn toàn và vô điều kiện khỏi tất cả các vùng lãnh thổ trong biên giới năm 1991 của Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã mô tả công thức hòa bình của ông Zelensky là một tối hậu thư “hoàn toàn trống rỗng” “xa rời thực tế”. 

Thanh Tâm, theo RT