Ù tai là tình trạng phổ biến ở nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi. Trạng thái này không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất thính lực.

u tai 1
Ù tai thường là dấu hiệu báo trước của bệnh điếc, có rất nhiều nguyên nhân gây ù tai. (Ảnh: Image Point Fr/ Shutterstock)

Triệu chứng ù tai có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là mất thính lực do tiếng ồn. Ngoài ra nó còn bao gồm một số nguyên nhân khác như nhiễm trùng tai, bệnh tim mạch, hội chứng Meniere, u não, căng thẳng tâm lý, tiếp xúc với một số loại thuốc, chấn thương đầu trước đó, ráy tai và đặc biệt thường gặp ở bệnh nhân trầm cảm…

“Tôi chưa từng biết đến sự an tĩnh là gì, bởi tôi luôn nghe thấy những âm thanh ù ù bên tai hàng ngày, hàng giờ, hàng giây, thậm chí là từ sáng đến tối…!” Đó là lời tâm sự của những bệnh nhân bị ù tai. Trong quá khứ, nhà thần học Martin Luther hay nhạc sĩ đại tài Beethoven cũng đều bị điếc, khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Beethoven là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất thế giới. Khoảng năm 26 tuổi, ông bắt đầu thường xuyên nghe thấy tiếng vo ve và ù tai. Khi bước sang tuổi 30, ông đã nói với một người bạn rằng: “Trong ba năm gần đây, thính giác của tôi ngày càng yếu dần. Trong rạp hát, tôi phải đến rất gần dàn nhạc mới có thể nghe những người biểu diễn. Tôi không nghe thấy nốt cao của nhạc cụ và giọng ca sĩ”. Cuối cùng đến cuối năm 1799, ông bị điếc hoàn toàn và sự nghiệp âm nhạc của ông chấm dứt.

Nguyên nhân gây ù tai

Chứng ù tai đề cập đến cảm giác âm thanh bất thường mà con người nghe thấy cho dù không có bất kỳ sự kích thích nào từ bên ngoài. Nó thường do rối loạn chức năng thính giác gây ra và là dấu hiệu cảnh báo trước của bệnh điếc. Chứng ù tai thường gặp chủ yếu bao gồm: Ù tai thần kinh, ù tai đột ngột và ù tai do tiếng ồn, ù tai thần kinh giác quan, ù tai hỗn hợp và các loại khác. 

1. Một số nguyên nhân chủ quan

Một số nguyên nhân chủ quan gây ra chứng ù tai bao gồm: Mắc các bệnh về tai ngoài, viêm tai ngoài, thuyên tắc ráy tai, dị vật ở tai ngoài, viêm tai giữa cấp tính, viêm tai mãn tính, thủng màng nhĩ, xơ cứng tai, hội chứng Meniere ở tai trong và u dây thần kinh thính giác…tất cả đều có thể gây ù tai.

2. Thói quen sinh hoạt không đúng cách

Chế độ ăn nhiều cholesterol, nhiều muối, một số dị ứng thực phẩm, uống trà đặc, đồ uống chứa caffein, hút thuốc và uống rượu quá nhiều…tất cả đều có thể làm trầm trọng thêm chứng ù tai. Vì vậy, cần chú ý thay đổi những thói quen xấu này.

u tai 2
Chế độ ăn nhiều cholesterol, uống trà đặc, đồ uống chứa caffein, hút thuốc và uống rượu quá nhiều…tất cả đều có thể làm trầm trọng thêm chứng ù tai. (Ảnh: Sandratsky Dmitriy/ Shutterstock)

Biện pháp phòng ngừa ù tai

1. Ăn nhiều thực phẩm chứa sắt

Thiếu sắt có thể dễ dàng làm cứng các tế bào hồng cầu, giảm khả năng vận chuyển oxy và dẫn đến việc cung cấp chất dinh dưỡng cho tai không đủ, từ đó có thể làm hỏng chức năng của tế bào thính giác và dẫn đến mất thính giác. Bổ sung sắt có thể ngăn ngừa và trì hoãn hiệu quả tình trạng ù tai, điếc ở người trung niên và người cao tuổi. Các thực phẩm giàu chất sắt bao gồm gan lợn, thịt bò, thịt lợn, gan gà, thận lợn, huyết gà, đậu nành, lòng đỏ trứng, v.v.

2. Ăn thực phẩm có thể thúc đẩy tuần hoàn máu

Thực phẩm thúc đẩy lưu thông máu và loại bỏ ứ máu có thể làm giãn mạch máu, cải thiện độ nhớt của máu và giúp duy trì vi tuần hoàn bình thường của các mạch máu nhỏ trong tai. Bạn có thể thường xuyên ăn nấm đen, tỏi tây, lượu, hành tây, nghệ, rau xanh, quế.v.v.

3. Ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm

Có rất nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng ù tai và điếc ở người trung niên và người cao tuổi, trong đó thiếu kẽm là một nguyên nhân quan trọng. Hàm lượng kẽm trong ốc tai cao hơn nhiều so với các cơ quan khác. Tuy nhiên ở người già trên 60 tuổi thì hàm lượng kẽm trong ốc tai giảm đi đáng kể, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của ốc tai và gây mất thính lực. Vì vậy, hãy chú ý bổ sung nhiều thực phẩm chứa kẽm như hàu, cá trích, tôm khô, rong biển, bột cá, hạt vừng, đậu phộng, gan lợn, các loại đậu…

u tai 3
Chế độ ăn nhiều cholesterol, uống trà đặc, đồ uống chứa caffein, hút thuốc và uống rượu quá nhiều…tất cả đều có thể làm trầm trọng thêm chứng ù tai. (Ảnh: Sandratsky Dmitriy/ Shutterstock)

4. Giảm lượng chất béo

Ăn nhiều thức ăn béo sẽ làm tăng lipid máu và độ nhớt của máu, gây xơ cứng động mạch. Tai trong nhạy cảm nhất với tình trạng rối loạn cung cấp máu, khi rối loạn tuần hoàn máu xảy ra sẽ dẫn đến dây thần kinh thính giác bị thiếu chất dinh dưỡng và dẫn đến điếc. Người trung niên hàng ngày tổng lượng chất béo nên được kiểm soát ở mức khoảng 40 gam, đồng thời nên ăn ít những thực phẩm giàu chất béo như nội tạng động vật, thịt mỡ, bơ, lòng đỏ trứng, trứng cá muối và đồ chiên rán.

5. Bảo vệ tai 

Khi tắm hoặc bơi lội, hãy cẩn thận không để nước lọt vào ống tai để tránh gây nhiễm trùng ống tai. Nếu nước lọt vào ống tai, hãy dùng tăm bông tiệt trùng để thấm nước. Nếu cần, hãy dùng một ít cồn để khử trùng. Cố gắng không lấy ráy tai, vì ráy tai có tác dụng bảo vệ và có thể tự thải ra ngoài. Nếu có quá nhiều ráy tai làm tắc ống tai, hãy nhờ bác sĩ tai mũi họng khám và điều trị.