Khi được bà ngoại phát hiện trong đêm khuya, bé sơ sinh đã tím tái, ngưng tim, ngưng thở, mũi miệng đầy dịch. 

tu vong so sinh tai benh vien quan dan y dong thap 0
Ông Dương Quốc Định, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp khẳng định các bác sĩ đã cố gắng cấp cứu cho bé. (Ảnh chụp màn hình/Truyền hình Đồng Tháp)

Chiều ngày 19/4, Sở Y tế Đồng Tháp tổ chức họp báo thông tin sơ bộ về trường hợp tử vong sơ sinh ngày 18/4/2024 tại Bệnh viện Quân Dân y Đồng Tháp.

Đại diện Sở Y tế Đồng Tháp dẫn thông tin cho hay vào sáng 16/4, sản phụ P.T.T.N. (SN 2002, ngụ xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vào bệnh viện, chẩn đoán theo dõi thai có nguy cơ cao, con so – thai 37 tuần, ngôi mông và chuyển dạ sanh. Chẩn đoán trước phẫu thuật: chuyển dạ đình trệ do ngôi mông, con so – thai 37 tuần, ngôi mông, chuyển dạ sanh và ối vỡ giờ thứ 1.

Sản phụ được phẫu thuật lấy thai thành công lúc 2h30 16/4, bé trai nặng 2,8kg. Đến 00h30 ngày 18/4, bà ngoại phát hiện bé tím tái toàn thân, không phản xạ, ngưng tim, ngưng thở; miệng, mũi đầy dịch.

Bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp xử trí hút đàm nhớt ra dịch, đặt nội khí quản thấy dịch trong nội khí quản, tiến hành hút dịch qua nội khí quản, bóp bóng; xoa bóp tim ngoài lồng ngực; dùng thuốc vận mạch theo phác đồ cấp cứu, sau 30 phút hồi sức tình trạng bé không cải thiện.

Kết luận sơ bộ bé tử vong sơ sinh nghi suy hô hấp cấp do Hội chứng hít dịch tiêu hóa của trẻ sơ sinh.

Sau khi xảy ra vụ việc, gia đình chị N. đã đăng hình ảnh bé kèm nội dung bày tỏ bức xúc lên mạng xã hội và gửi phản ánh đến một số cơ quan báo chí. Trong video chia sẻ trên mạng, gia đình cho biết trong chiều 18/4 đã 2 lần thông báo tình trạng bé trai sốt, ọc sữa để bác sĩ thăm khám. Bác sĩ ghi nhận trẻ sốt nhẹ 37,6 độ, chỉ số oxy trong máu bình thường, hướng dẫn gia đình theo dõi sát, báo cho kíp trực khi thấy tình trạng bất thường.

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đặt vấn đề xoay quanh quá trình cấp cứu trẻ sơ sinh tử vong trùng ngày nghỉ lễ (Giỗ Tổ Hùng Vương), sự chăm sóc của các bác sĩ tại bệnh viện.

Ông Dương Quốc Định, Giám đốc Bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp cho biết trước giờ bệnh viện chưa gặp trường hợp như thế này, nhưng khẳng định bệnh viện không bỏ bê bệnh nhân.

“Bà ngoại là người phát hiện và bế em bé qua gặp bác sĩ. Trước giờ bệnh viện chưa từng gặp trường hợp này. Riêng sáng nay, có chuyên gia cho biết là bệnh viện tỉnh và một số bệnh viện khác đã có xảy ra những trường hợp tương tự”, ông Định nói. “Việc không chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp là do đây là trường hợp bé ngưng tim, ngưng thở, bệnh viện thực hiện cấp cứu ban đầu, khi bé thở lại thì mới chuyển. Vì nếu chuyển trong thời gian này sẽ mất đi “giờ vàng””.

Trước câu hỏi tại sao bệnh viện chưa từng gặp trường hợp nào tương tự mà bệnh viện không hội chẩn bệnh viện tuyến tỉnh hoặc các bệnh viện liên quan sản – nhi, bác sĩ Định cho hay trong trường hợp cấp cứu, bác sĩ đã học bài bản về cấp cứu và đã thực hiện đầy đủ quy trình hồi sức cấp cứu. Bệnh viện đã tập trung các bộ phận gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu… tập trung cứu cháu bé.

Vẫn theo bác sĩ Định, khi bé ngưng tim, ngưng thở, bệnh viện đã làm mọi cách để khai thông đường thở cho bé nhưng mọi việc diễn tiến quá nhanh. Bệnh viện không tắc trách, không bỏ bê bệnh nhân. Lúc bà ngoại của bé phát hiện, bé đã tím tái cơ thể, ngưng thở, mất tim, không còn phản xạ. Trước đó, bé có sốt nhẹ, qua thăm khám, các chỉ số ổn.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp nhận định ca tử vong trùng vào ngày nghỉ lễ, tuy nhiên qua báo cáo của bệnh viện và lấy ý kiến chuyên gia, các khâu tiếp nhận sản phụ, theo dõi em bé sau sinh, thực hiện quy trình cấp cứu rất tập trung và chăm sóc kỹ cho bệnh nhân.

Giải thích thêm về hội chứng hít dịch tiêu hóa của trẻ sơ sinh – nguyên nhân gây tử vong cho trẻ theo kết luận sơ bộ của Sở Y tế Đồng Tháp, ông Bửu cho biết trẻ sơ sinh có nhịp thở gấp đôi so với người lớn. Bé bú sữa khi vào dạ dày sẽ tạo thành hỗn hợp sệt, vón. Khi ọc hỗn hợp ra ngoài, trẻ có thể hít ngược trở lại do nhịp thở nhanh. Tình huống này có thể gây tắc nghẽn đường thở, cần được phát hiện ngay để xử trí.

Theo ông Bửu, trẻ mới sinh có nhiều rủi ro trong 28 ngày đầu. Nếu kỹ thuật chăm sóc, theo dõi không tốt dễ xảy ra tai biến khó lường.

“Qua ca tử vong này, ngành y tế sẽ có chấn chỉnh, tập huấn lại cho tất cả cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh, kể cả cơ sở công lập và cơ sở tư để củng cố công tác chuyên môn cho ngành, gồm có cấp cứu sản khoa, theo dõi chăm sóc sau sinh, tiêm chủng. Không chỉ với cán bộ y tế, mà còn giáo dục sức khỏe cho bà mẹ sau sinh về cách chăm sóc, dinh dưỡng, theo dõi khi bé có dấu hiệu bất thường, khó thở, ăn uống kém…”, ông Bửu nói.

Theo Sở Y tế Đồng Tháp, lãnh đạo Sở và Bệnh viện Quân dân y tỉnh Đồng Tháp mời người thân của bé đến trao đổi, giải thích nguyên nhân bé tử vong để gia đình hiểu. Đến sáng 19/4, gia đình đã gỡ hình ảnh đăng trên mạng xã hội.

Minh Sơn