“Bà có hai người con không biết nói. Giờ lại hỏi con dâu cũng không biết nói. Con dâu không biết nói lại đẻ được hai người cháu không biết nói. Giờ trong nhà bà là 5 người không biết nói”… bà Võ Thị Tứ kể.

cay oc tai dien tu 1
Bé Anh Tuấn bên mẹ sau ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)

Sinh ra trong gia đình có cha mẹ bị điếc bẩm sinh, bé Phan Văn Anh Tuấn (15 tháng tuổi) được cả nhà trông ngóng khi chị gái không nghe được âm thanh, như bố mẹ. Nhưng niềm vui đón cháu chưa bao lâu thì nỗi day dứt ập đến: thế giới của cháu cũng hoàn toàn tĩnh lặng.

“Bà có cái cửa tôn ấy, đóng vào là cái sầm. Thử cháu không giật mình là bà biết cháu lại bị gen của bố mẹ rồi” – bà nội bé Anh Tuấn nhớ lại. Lúc này, bé 6 tháng tuổi.

“Điếc thì trẻ không nghe được, không có âm thanh thì không phát âm được, dẫn đến câm, thường gọi là bệnh điếc câm” – PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) chia sẻ về ca bệnh.

Khả năng tìm lại âm thanh cho cháu bé là có, với điều kiện là phải làm càng sớm càng tốt. Bác sĩ Kỳ cho hay: “15 tháng là tuổi để can thiệp tốt nhất. Vì trẻ còn lớn nữa, năm 3 tuổi là kém rồi, trên 6 tuổi nếu có can thiệp vào phần nghe thì cũng không hiệu quả lắm, vì lúc ấy não của trẻ đã bị xơ hóa, không biết tiếp nhận được cái mới”.

cay oc tai dien tu 2
Bà nội Anh Tuấn mừng khi cháu bé đã có thể nghe bình thường, từ đó có thể nói, giao tiếp như bình thường được. (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)

Gánh nặng cuộc sống tưởng như đã không thể chật vật hơn khi ông bà già tuổi cao sức yếu, còn bố mẹ cháu bị câm điếc, không có việc làm ổn định. Mọi khoản chi gần như chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp tàn tật và mấy sào ruộng. Khi nghèo khó, thì cơ hội để đứa cháu nhỏ được làm người bình thường bằng với số tiền cần có để lắp ốc tai điện tử cho cháu trước năm 3 tuổi.

Tháng 10/2023, tia hy vọng nhen lên khi gia đình được thông báo về khoản viện trợ gần 100% kinh phí phẫu thuật từ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội và các nhà tài trợ, nhà hảo tâm.

“Đúng là không có tài trợ thì ông bà cũng không có làm cho Anh Tuấn đâu. Làm gì ra…” – mắt bà Tứ ngấn nước.

Ca phẫu thuật cấy điện cực ốc tai của bé Tuấn diễn ra thành công, dây thần kinh số 7 được bảo tồn hoàn toàn. 6 giờ sau ca mổ, bé tỉnh táo, phản ứng nhanh nhẹn, cười khóc trở lại. Sau cấy điện cực ốc tai, bé Tuấn sẽ được học cách nhận biết âm thanh và phát âm.

cay oc tai dien tu 0 1
Ca phẫu thuật được tài trợ gần như 100%, là ca phẫu thuật được truyền hình trực tiếp tại Hội nghị Tai Mũi Họng Đông Nam Á, tháng 10/2023. (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)

BS CKI Trần Phương Thanh – Khoa Tai Mũi Họng cho hay đây là ca đại phẫu, trước hết cần đội ngũ gây mê cực kỳ cứng, dày dặn kinh nghiệm để có thể gây mê cho một em bé 15 tháng tuổi chỉ 10kg. Thứ hai là tất cả cấu trúc về giải phẫu, đường đi của dây thần kinh, mạch máu rất nhỏ nên rất cần sự hỗ trợ của thiết bị như kính hiển vi phẫu thuật và máy thăm dò thần kinh.

“Khuôn mặt của cháu hết sức nhanh nhẹn, hết sức thông minh. Khi được cài ốc tai điện tử rồi, cháu sẽ trở thành một con người hoàn toàn bình thường, có thể hòa nhập được vào xã hội”, bác sĩ Kỳ cho hay.

“Ông bà và gia đình cảm ơn. Thật đúng là cảm ơn không nói hết được”. – bà nội Anh Tuấn chia sẻ. “Bà chỉ ước ao là khi nhắm mắt ấy, có cháu gọi một tiếng ‘bà ơi’, thế là bà mừng, bà toại nguyện rồi”. 

Minh Sơn (Theo Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội)