Số ca tai biến thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM tăng dần theo thời gian. Con số 608 ca trong năm 2023 cao gần gấp 3 lần so với 217 ca năm 2020. 

tiem tren mo hinh giai phau
Số ca tai biến do thẩm mỹ nội khoa hiện ghi nhận cao nhất do tiêm chích, 69% trường hợp ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh: Giảng viên hướng dẫn học viên thực hành tiêm trên mô hình giải phẫu, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, tháng 11/2023. (Ảnh: Bệnh viện Da Liễu thành phố Hồ Chí Minh/Facebook)

Thông tin trên do bác sĩ BS CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết tại Hội nghị da liễu thẩm mỹ miền Nam, diễn ra tại TP.HCM ngày 16/1.

Chỉ riêng tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, số ca tai biến thẩm mỹ nội khoa đến khám tại bệnh viện này tăng đột biến trong các năm qua. Năm 2021, bệnh viện tiếp nhận 217 trường hợp, năm 2022 tăng lên 538 trường hợp, năm 2023 ghi nhận 608 trường hợp bị tai biến do thẩm mỹ nội khoa tới khám và điều trị.

“Khi thị trường cho các thủ tục thẩm mỹ tối thiểu và không xâm lấn tiếp tục mở rộng, các bác sĩ lâm sàng có thể sẽ gặp phải số lượng lớn hơn các bệnh nhân bị biến chứng từ các thủ thuật này”, bác sĩ Thúy nói.

Có 69% trường hợp là tai biến do tiêm chích; 16% ca là sử dụng laser ánh sáng và các thiết bị phát năng lượng; 10% ca do tái tạo da bằng hóa chất và 5% là các tai biến do nguyên nhân khác.

Trong 69% trường hợp là tai biến do tiêm chích, có 54% số ca tai biến do tiêm vi điểm, 43% tiêm chất làm đầy và 3% là tiêm botox. Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã tiếp nhận nhiều ca tai biến do tiêm chất làm đầy ở thái dương, má, mũi và môi.

Trong 16% trường hợp bị tai biến do sử dụng laser phát năng lượng, có 54% sử dụng laser bóc tách, 39% sử dụng laser không bóc tách và 7% là sử dụng các thiết bị khác.

Theo bác sĩ Thúy, có 2 nguyên nhân chính gây tai biến thẩm mỹ nội khoa: do cơ sở làm thủ thuật thẩm mỹ và do con người, bao gồm người được làm thẩm mỹ (cơ địa, sự tuân thủ) và người thực hiện thủ thuật thẩm mỹ.

“Diện tích, ánh sáng, điều kiện vô khuẩn, không đủ phương tiện y tế… là những nguyên nhân chúng tôi xếp vào nhóm cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị gây tai biến cho khách hàng tại các cơ sở chui, không được cấp phép. Ngoài ra, người thực hiện không phải là bác sĩ, chưa có kinh nghiệm cũng dễ xảy ra những tai biến trong quá trình làm đẹp”, bác sĩ Thúy giải thích.

Điều đáng nói, các trường hợp làm đẹp bị tai biến không chỉ được thực hiện bởi những “bác sĩ dỏm” ở những cơ sở chui, hay không đảm bảo điều kiện hoạt động khám, chữa bệnh mà ngay cả những cơ sở chính thống, được thực hiện bởi những bác sĩ “chính hiệu”.

Đáng lo ngại khi có đến 77,8% người làm gây tai biến thẩm mỹ nội khoa không phải là bác sĩ; 15,3% bệnh nhân không nhận định được đó có phải là bác sĩ hay không vì người thực hiện cũng mặc áo blouse; và 6,9% trường hợp bị tai biến sau khi thực hiện thẩm mỹ nội khoa do bác sĩ gây ra.

Các nguyên nhân gây ra tai biến có thể là do thiết bị lỗi, hỏng vì không được kiểm định; sản phẩm chưa qua kiểm định; sự phối trộn giữa nhiều sản phẩm khác nhau, không đảm bảo điều kiện vô khuẩn; các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép gây ra tai biến.

Theo bác sĩ Thúy, dù cố gắng cứu chữa nhưng không phải trường hợp bị tai biến thẩm mỹ nào cũng trở lại được bình thường. Nhẹ thì chỉ bị viêm da, nặng có thể phải chịu cảnh tật nguyền suốt đời như mù (khi tiêm filler mũi)…

Người thích selfie đăng mạng xã hội thường dễ chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ

Tại báo cáo “Truyền thông mạng xã hội và da liễu thẩm mỹ” chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trọng Hào – Chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Liên chi hội da liễu TP.HCM cho hay những người thích selfie (thường gọi là chụp ảnh tự sướng) đăng lên mạng xã hội thường có khuynh hướng chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhiều người dùng mạng xã hội có khuynh hướng dùng app, filter để hình ảnh được lung linh hơn và đăng lên mạng xã hội. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc selfie đăng mạng xã hội có tác động đến việc gia tăng ý muốn thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, tạo khuynh hướng chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ hơn so với người không có thói quen này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy những người này có khuynh hướng không thỏa mãn ngoại hình, dễ dẫn đến mắc hội chứng mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder) – khi lúc nào cũng thấy cơ thể có khiếm khuyết, cần phải phẫu thuật để hoàn hảo hơn.

Nguyễn Sơn