Antonella Marty: “Những trại tập trung không ai nói tới ở Trung Quốc”
- Antonella Marty
- •
Bài viết được đăng trên tờ PanAm Post dưới đây là của bà Antonella Marty, nhà tư vấn chính sách công cho Quốc hội Argentina, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ-Latinh tại ATLAS Network, đồng sáng lập “Youth Foundation for Liberty” tại Argentina. Bà Antonella Marty đăng tải bài viết này sau khi được biết chi tiết thông tin về tội ác đàn áp tín ngưỡng, tra tấn và thu hoạch nội tạng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong các nhà tù mà bà gọi là các “trại tập trung”. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết, bản gốc xem tại đây.
*
Hôm qua, tôi có cơ hội tham dự vào một buổi nói chuyện do Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Argentina tổ chức với chủ đề “Tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này”. Buổi nói chuyện đề cập đến một bí mật đen tối tại Trung Quốc ngày nay: cưỡng bức mổ lấy nội tạng từ những người đang sống tại Trung Quốc. Buổi nói chuyện có sự tham gia của Yu Zhenjie và Dong Yuhua, hai người đã sống sót sau khi bị giam giữ và tra tấn trong các trại cưỡng bức lao động tại Trung Quốc. Câu chuyện của cả hai đã làm tôi rơi lệ.
Với những ai chưa biết, Pháp Luân Đại Pháp không phải là một học thuyết chính trị, cũng không phải là một học thuyết kinh tế, hay là một phong trào phản kháng. Pháp Luân Đại Pháp, còn được biết đến là Pháp Luân Công, là một môn rèn luyện theo trường phái Phật gia có lịch sử hàng nghìn năm tại Trung Quốc, nhằm tu tâm dưỡng thân, dựa trên ba nguyên lý phổ quát là: chân, thiện, và nhẫn, cho phép người theo tập cải thiện bản thân. Môn rèn luyện này chú trọng vào lối sống tích cực, chú trọng thiền định, và tránh xa rượu, chất gây nghiện và thuốc lá.
Những người theo tập đều là những người khỏe mạnh vì họ có lối sống tinh thần và thể chất lành mạnh.
Trong hơn 80 năm lịch sử của mình, ĐCSTQ đã khiến cho người dân Trung Quốc lao đao vì những lời dối trá, chiến tranh, nạn đói, bạo ngược, tàn sát, và khủng bố. Trung Quốc có lịch sử văn hóa 5000 năm nhưng trong hơn 60 năm cai trị của chế độ độc tài ĐCSTQ, văn hóa cổ xưa đã bị phá hủy và thay vào đó, chủ nghĩa vô thần bị kịch liệt áp đặt vào nơi đây. Khỏa lấp vào khoảng trống tâm linh này, Pháp Luân Đại Pháp đã lan rộng từ năm 1992, làm hồi sinh lại nền văn hóa truyền thống bằng giáo lý sâu sắc, và với lợi ích về sức khỏe tinh thần và thể chất, đã thu hút hơn 100 triệu người theo tập tại Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Argentina, vào tháng 7 năm 1999, khi số lượng người theo tập tại Trung Quốc tăng lên con số rất cao, thì lãnh đạo ĐCSTQ bấy giờ là Giang Trạch Dân đã lo sợ rằng sự phổ biến của Pháp Luân Đại Pháp và những giá trị truyền thống mà môn tập này đề xướng sẽ là một mối đe dọa cho quyền lực của nhà nước. Sau đó chính quyền đã phát động một thời kỳ đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Đại Pháp để gieo rắc nỗi kinh hoàng trong những người theo tập thông qua ba chiến lược chính là: “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể”.
Trong cuộc đàn áp này, ĐCSTQ đã sử dụng những thủ đoạn tồi tệ nhất mà con người từng biết đến: đó là tẩy não, lao động khổ sai trong các trại lao động, tra tấn dã man như đánh đập, sốc điện bằng roi điện, cưỡng hiếp tập thể và bức thực, và cả mổ lấy tạng từ những người tập vẫn còn sống. Những sự việc này diễn ra tại cái gọi là “Trung Quốc tươi đẹp”, nơi mà nhiều chính trị gia và các doanh nhân đạo đức giả vẫn lui tới để làm ăn.
Ngày hôm nay sau nhiều thập kỷ, một cuộc diệt chủng đang diễn ra tại Trung Quốc. Hàng triệu người tập Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc đang bị giết để lấy tạng: giá của mỗi giác mạc là 30.000 USD, một lá phổi là 150.000 USD, quả tim là 130.000 USD, một lá gan 100.000 USD và một quả thận là 60.000 USD.
Ngày 22/6/2017, một báo cáo đột phá đã được đưa ra. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã thu thập chi tiết hoạt động của hàng trăm bệnh viện và trung tâm cấy ghép tạng tại Trung Quốc đã và đang hoạt động kín đáo kể từ năm 2000. Báo cáo ước tính các trung tâm này đã thực hiện khoảng 1,5 triệu tới 2,5 triệu ca cấy ghép trong suốt 16 năm vừa qua. Các tác giả nghi ngờ rằng, kể từ năm 2000, số ca ghép tạng thực tế tại Trung Quốc là vào khoảng 60.000 tới 100.000 ca một năm. Phần lớn nạn nhân của hành vi cưỡng bức lấy tạng để cấy ghép này là các tù nhân lương tâm, bao gồm người Tây Tạng, tín đồ Kitô giáo, và chủ yếu là người tập Pháp Luân Công. Nguyên nhân là vì những người này sẵn có [trong tù] và có cơ thể khỏe mạnh [do lối sống của họ]. (Xem báo cáo bản tiếng Anh tại đây)
Ngày hôm qua, hai con người dũng cảm và mạnh mẽ đã kể lại những gì họ trải qua và chịu đựng khi sống dưới chế độ cai trị của ĐCSTQ. Việc tra tấn để lấy lời khai là đặc tính của hệ thống pháp lý Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng địa chính trị, đồng thời tiếp tục sử dụng nô lệ lao động, trong đó đa số là người tập Pháp Luân Công. Làm ngơ trước việc Trung Quốc sử dụng rộng rãi hệ thống nhà tù và lao động nô lệ, phương Tây cho rằng đàm phán với chế độ này là một việc làm mang lại lợi ích. Do đó lợi ích kinh doanh và chính trị của thiểu số đã được đặt lên trên tự do, quyền sống và nhân phẩm.
Zhenjie có vẻ như đã tìm thấy được bình yên với khuôn mặt đầy sinh khí, nhưng đâu đó vẫn còn phảng phất nỗi đau mà bà đã phải chịu đựng trước đây. Yuhua thì ngược lại, đôi mắt của bà cho thấy một nỗi đau to lớn, nhưng cũng ánh lên niềm hy vọng bình yên.
Ở độ tuổi 60, Zhenjie đã kể lại câu chuyện của mình tại trại lao động cưỡng bức, nơi bà bị giam giữ vì đức tin của mình và vì tập Pháp Luân Đại Pháp. Yu Zhenjie vốn là kế toán trong một văn phòng công tố tại tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc. Tờ báo trực tuyến La Gran Epoque dẫn lời bà: “Từ năm 1999, tôi đã phải chịu đựng sự bức hại tàn bạo và mất đi tất cả: một công việc tốt và một gia đình hạnh phúc.”
Zhenjie bị tra tấn dưới nhiều hình thức, ví dụ bị tra tấn bằng dùi cui điện vào mặt, “cho tới khi da tôi cháy đen và bốc khói”, bà kể. Việc tra tấn dưới nhiều hình thức là nhằm buộc bà phải từ bỏ đức tin. Thêm vào đó, họ còn trói bà trong điều kiện thời tiết rất lạnh và tra tấn bằng thủ đoạn tàn bạo. Bà kể: “Những gì mà tôi phải chịu đựng không thể nào tả được, mỗi giây phút trôi qua dài đằng đẵng như một năm. Vào thời điểm đó, tôi chỉ muốn chết đi”. Khi bị trói trên giường, bà bị cai tù bịt mắt lại. Người đó nói: “Mắt của bà quá nhân từ, vì vậy tôi phải che mắt bà lại để làm điều tôi bị buộc phải làm”. Rồi anh ta lấy một ống nhựa ra và nhét vào mũi bà rồi đưa nó vào dạ dày. Đó là một công việc khó khăn và anh phải lôi ra lôi vào cái ống vài lần. Họ còn bức thực bà một cách bạo lực khiến răng cửa của bà bị tổn thương. Sau đó họ đưa bà vào một căn phòng và trói tay treo bà lên.
Zhenjie kể: “Suốt thời gian bị giam giữ, tôi đã bị tiêm thuốc độc làm ảnh hưởng tới ý thức và trí nhớ của tôi. Họ còn cưỡng chế lấy mẫu máu mà không giải thích. Tôi bị đối xử như thú vật và bị giam giữ trong một chiếc lồng sắt với chân tay bị trói không thể di chuyển”. Vào tháng 10 năm 2002, bà đột ngột bị bất tỉnh và không thể cử động. Cảnh sát nghĩ bà giả vờ và đưa bà đến bệnh viện công an để kiểm tra. Bà kể lại: “Đó là thời điểm tôi không thể quên dù đã rất cố gắng. Tại bệnh viện công an Hắc Long Giang, trong ba ngày, các cảnh sát nam lột hết quần áo của tôi và để cho mọi người nhìn thấy tôi trong trạng thái trần truồng. Sự sỉ nhục này đối với tôi, một người tin vào triết lý nhà Phật, quả là vô cùng khó khăn”. Ba ngày sau, bà rơi vào trạng thái hấp hối sắp chết. Lúc đó, cảnh sát cho người nhà đến đón bà về để họ không phải chịu trách nhiệm về cái chết của bà. Sau đó bà nói, “Nhờ luyện các bài tập Pháp Luân Đại Pháp, tôi đã có thể dần hồi phục và rồi tôi có thể đi lại được. Tôi không còn răng và móng tay do trải qua thời gian bị tra tấn và bị đánh đập trong tù.”
Zhenjie đã bị bắt cóc và tra tấn nhiều lần bởi chế độ Trung Quốc. Nhưng may mắn thay, nhờ vào sức mạnh tín ngưỡng, bà đã có thể vượt qua, chạy thoát đến Thái Lan và sau đó tị nạn tại Hoa Kỳ.
Antonella Marty, PanAm Post (panampost.com)
Minh Nhật biên dịch và bổ sung ảnh tư liệu
Xem thêm:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công Thu hoạch nội tạng Đàn áp tín ngưỡng Dòng sự kiện Tra tấn trong tù