Vào thứ Hai (24/6), Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố “Báo cáo về nạn buôn người năm 2024 (2024 Trafficking in Persons Report), theo đó Trung Quốc dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một lần nữa bị liệt vào danh sách tồi tệ nhất (Tier 3), đặc biệt liên quan việc phạm tội cưỡng bức thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống đối với ‘những nhóm người cụ thể’. Việt Nam chỉ còn bị xếp hạng Cấp độ 2 (Tier 2) và không còn nằm trong danh sách bị ‘theo dõi’ nữa.

50963290442 fab818fa1e k
Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken thăm Trung tâm Chỉ huy Dịch vụ An ninh Ngoại giao và được Giám đốc trung tâm Scott Kim dẫn đi tham quan, tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington D.C vào ngày 21 tháng 2 năm 2021. (Nguồn ảnh: Ron Przysucha/ Bộ Ngoại giao Mỹ)

Hôm thứ Hai (24/6), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phát biểu về báo cáo của Bộ Ngoại giao: “Báo cáo thường niên về nạn buôn bán người”, ông cho hay báo cáo đã đánh giá toàn diện về hành vi tàn ác “buôn bán người” và những hành động nỗ lực chống nạn buôn người này từ các chính phủ và các bên liên quan trên khắp thế giới.

Báo cáo này phân tích tình hình liên quan ở 188 nước (gồm cả Mỹ), nhằm mục đích thúc đẩy cam kết của Chính phủ Mỹ trong việc ngăn chặn nạn buôn người, truy tố thủ phạm và bảo vệ những người may mắn thoát nạn.

Tập trung đặc biệt vào nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng tù nhân chính trị của ĐCSTQ

“Chủ đề quan tâm đặc biệt” của “Báo cáo về nạn buôn người năm 2024” là những hình thức buôn người phục vụ tội ác thu hoạch nội tạng người sống – vấn đề mà giới truyền thông [chính thống] ít thấu hiểu và đưa tin. Báo cáo cho rằng loại tội phạm này ngày càng gia tăng.

“Chủ đề quan tâm đặc biệt” nhấn mạnh: “Đặc biệt, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) đã bị cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân chính trị một cách có hệ thống. Ví dụ, vào năm 2021, một nhóm chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã tuyên bố: Ở Trung Quốc, nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức dường như nhắm vào các nhóm [đối với ĐCSTQ] là đặc biệt nhạy cảm liên quan vấn đề chủng tộc, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo; trong bối cảnh bị truy nã và bắt bớ tùy tiện, họ có thể bị giam cầm bất cứ lúc nào và địa điểm giam cầm không cố định. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tình trạng người bị [ĐCSTQ] đối xử kỳ thị vì vấn đề chủng tộc, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo”.

Báo cáo chỉ ra, để đánh giá toàn diện phạm vi địa lý và số lượng của nạn buôn người thu hoạch nội tạng, cộng đồng quốc tế và các bên liên quan đang thực hiện các biện pháp để cố gắng giải quyết vấn đề này.

Báo cáo nêu rằng một số điều khoản pháp lý khu vực, bao gồm Công ước của Hội đồng châu Âu về chống buôn bán nội tạng người (Council of Europe Convention against Trafficking in Human Organs), Công ước của Hội đồng châu Âu về hành động chống buôn bán người (Council of Europe Convention on Action against Trafficking in Human Beings), và Công ước ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ASEAN Convention against Trafficking in Persons, Especially Women and Children), đều thừa nhận vấn đề cưỡng bức cắt bỏ nội tạng là một hình thức bóc lột liên quan đến buôn bán người.

Tội ác “cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân chính trị một cách có hệ thống” liên quan nhà cầm quyền ĐCSTQ lần đầu tiên được phơi bày trước cộng đồng quốc tế vào năm 2006.

Vào ngày 15/6/2006, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã xuất bản một phiên bản cập nhật của báo cáo có tựa đề “ĐCSTQ thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công:  Bằng chứng trực tiếp về tội ác diệt chủng do một Chính phủ gây ra”, cung cấp 66 chứng cứ về nạn thu hoạch nội tạng sống từ học viên Pháp Luân Công – đó là những bản ghi âm điều tra nhắm vào giới chức lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ: 5 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng cục Hậu cần Quân đội, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, một số Ủy viên Bộ Chính trị và quan chức cấp tỉnh, cấp Bộ.

Báo cáo của WOIPFG cũng bao gồm các bản ghi âm thu thập bằng chứng đối với những người thực hiện công việc cấy ghép nội tạng trên khắp Trung Quốc, chẳng hạn như 45 giám đốc bệnh viện, chủ nhiệm khoa và bác sĩ phẫu thuật tại 41 bệnh viện; chứng cứ từ quan chức Ủy ban Chính trị và Pháp luật, phòng “610” (một tổ chức bất hợp pháp chuyên bức hại Pháp Luân Công), cũng như lời khai của một số nhân chứng tại địa điểm thu hoạch nội tạng sống.

Tội ác thu hoạch nội tạng học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã thu hút sự chú ý rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc bị xếp vào nhóm nước tình trạng tồi tệ nhất

Hàng năm Bộ Ngoại giao Mỹ đều có công bố “Báo cáo về nạn buôn người”, đánh giá tình hình vấn đề này ở 188 nước và khu vực trong năm và chia thành 4 loại: Cấp 1 (Tier 1) là tốt nhất; tiếp đó là Cấp 2 (Tier 2); Danh sách cần theo dõi Cấp 2, có vấn đề nghiêm trọng trong việc ngăn chặn và đấu tranh chống nạn buôn người (Tier 2 Watch List); và Cấp 3 (Tier 3) là cấp độ tồi tệ nhất.

Đây là năm thứ 8 liên tiếp kể từ năm 2017 Trung Quốc bị xếp vào nhóm thứ 3 – nhóm các nước có điều kiện tồi tệ nhất.

“Báo cáo về nạn buôn người năm 2024” cũng liệt kê 13 nước có tài liệu rõ ràng về sự tham gia của chính phủ vào các hoạt động buôn người. Các nước khác bao gồm Triều Tiên, Iran, Myanmar, Nga và Syria. Các nước này có “các chính sách hoặc mô hình” ở cấp quốc gia liên quan buôn bán người: Tình trạng diễn ra trong các chương trình do chính phủ tài trợ, lao động cưỡng bức trong các cơ sở y tế trực thuộc nhà nước hoặc các khu vực khác [liên quan], nô lệ tình dục trong các trại hoặc tuyển quân của chính phủ và sử dụng trẻ em làm binh lính.

Báo cáo không chỉ đề cập đến các hình thức và phương thức buôn người lâu đời mà còn lưu ý vai trò ngày càng tăng của công nghệ trong cuộc chiến chống nạn buôn người.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng mặc dù các công cụ kỹ thuật số đã mở rộng phạm vi, quy mô và tốc độ của hoạt động buôn người: Tội phạm sử dụng các ứng dụng hẹn hò và quảng cáo trực tuyến để chiêu mộ nạn nhân; sử dụng các nền tảng trực tuyến để bán nội dung khiêu dâm; sử dụng tin nhắn được mã hóa và tiền kỹ thuật số để trốn tránh bị phát hiện…, nhưng chiều tích cực là công nghệ cũng lại là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để chống lại tội ác dai dẳng này.

Việt Nam ra khỏi danh sách ‘theo dõi’ về buôn người

Trong báo cáo về nạn buôn người năm nay, Việt Nam chỉ còn bị xếp hạng Cấp độ 2 (Tier 2) và không còn nằm trong danh sách bị ‘theo dõi’. Báo cáo viết: “Chính phủ Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về xóa bỏ nạn buôn người nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để thực hiện điều đó.”

Mộc Vệ (t/h)