Vài ngày sau khi ông Lại Thanh Đức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Đài Loan (sáng ngày 20/5), phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động tập trận quân sự quanh Đài Loan. Tại sao Trung Quốc lại thực hiện điều này khá muộn sau lễ nhậm chức? Nhà văn Nghiêm Thuần Câu – tại Đại học Trung văn Hồng Kông – đã bình luận về sự kiện này.

Lai Thanh Duc 2
Ông Lại Thanh Đức tuyên bố nhậm chức Tổng thống Đài Loan (Nguồn: Phủ Tổng thống Đài Loan)

Ba ngày sau khi ông Lại Thanh Đức tuyên thệ nhậm chức, ĐCSTQ đã phát động tập trận quân sự quanh Đài Loan, quy mô lần này không lớn hơn bao nhiêu so với hoạt động họ vẫn thường dùng tàu và máy bay quấy rối, chỉ là một màn thể hiện trình diễn bao vây Đài Loan. Sự xuất hiện của hơn 40 máy bay và hơn 20 tàu chiến thì việc phong tỏa Đài Loan chỉ là trò cười – ngay cả trong quan sát của những người không chuyên môn như chúng tôi.

Không có gì ngạc nhiên khi số người Đài Loan tụ tập biểu tình bên ngoài Viện Lập pháp chủ yếu vì vấn đề cuộc sống hàng ngày, quan tâm đến chuyện ngoại tình của các ngôi sao Nhật Bản, đến thị trường chứng khoán. Khi các phóng viên phỏng vấn người dân địa phương, họ thường chia sẻ rằng không gì quan trọng, vì ĐCSTQ làm điều đó thường xuyên rồi; thậm chí quân đội Mỹ còn chế nhạo trò hù dọa của ĐCSTQ bằng cách đăng một bức ảnh lính Mỹ tập yoga trên chiến hạm.

Truyền thông nước ngoài ví người Đài Loan như những người sống trong vùng động đất, nhưng có người dân nào sống trong vùng động đất mà ngày nào cũng sợ hãi trốn dưới gầm giường phòng chờ thiên tai xảy ra? Dĩ nhiên là không. Đối với những người ở vùng động đất, triết lý sống là điềm nhiên đón nhận, vì không thể ngăn chặn được nên tốt hơn hết là khi nào có động đất thì thực hiện các cách phòng bị, cứu nạn… Tương tự đối với ĐCSTQ, chúng chưa đánh thì cứ sống bình thường, khi nào chúng tấn công thì đáp trả, không cần ngày ngày hoang mang vô nghĩa.

Cuộc tập trận quân sự kéo dài 2 ngày của ĐCSTQ quanh Đài Loan diễn ra 3 ngày sau khi ông Lại Thanh Đức tuyên thệ nhậm chức, hiệu quả đã giảm nhiều, trong khi nếu thực hiện ngay lúc ông Lại tuyên thệ thì áp lực mạnh hơn nhiều. Việc ĐCSTQ để tới 3 ngày sau mới quấy nhiễu rõ ràng vì chịu khuất phục trước cảnh báo của Mỹ, cho nên đó chẳng qua chỉ là biện pháp “trung sách” [khác với thượng sách] mà thôi: Nghĩa là không thể không trút giận, nhưng “vuốt mặt phải nể mũi”.

Bài phát biểu nhậm chức của ông Lại Thanh Đức cho thấy một bước tiến nhỏ so với chính sách xuyên eo biển của người tiền nhiệm Thái Anh Văn, chẳng hạn như những cách gọi hàm ý Đài Loan là quốc gia riêng cho thấy thể hiện thẳng thừng hơn bà Thái Anh Văn trong vấn đề “Đài Loan độc lập”.

Mặc dù những biểu hiện đó khiến nhà cầm quyền ĐCSTQ tức giận, nhưng ngoài tiếp tục quấy rối bằng tàu thuyền và máy bay như thông lệ thì không thể trực tiếp đổ quân chơi một trận chiến mà họ không thấy có gì chắc chắn. Theo như lý thuyết chỉ huy quân sự của Lâm Bưu [thời nội chiến ĐCSTQ – Quốc dân đảng] là trừ khi chắc chắn 70% chiến thắng, nếu không thì không nên mở cuộc chiến. Đối với trận chiến xuyên biển của ĐCSTQ ngày nay, nếu loại trừ sự can thiệp của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu thì tỷ lệ chắc chắn thắng lợi nhiều nhất cũng chỉ là 50%, còn trái lại thì e rằng đến 20% chiến thắng cũng khó.

Cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan này của ĐCSTQ chỉ diễn ra trong 2 ngày, không có vùng cấm bay hoặc cấm tàu bè đi lại, cũng không dùng đạn thật mà chỉ tương đương với việc gửi một số máy bay chiến đấu và tàu chiến đi vòng quanh Đài Loan, suy cho cùng không đạt tới mức độ của diễn tập. Hoạt động này hoàn toàn không tương xứng với tuyên truyền hù dọa khoa trương của ĐCSTQ, người Đài Loan đã sống quen với những màn trình diễn này.

Để đối phó với lễ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức, ở bên ngoài thì ĐCSTQ đã diễn tập quân sự xung quanh Đài Loan, còn bên trong thì cho phe đối lập đảng cầm quyền Đài Loan khuấy động trước Viện Lập pháp Đài Loan. Nếu biện pháp đó thực hiện ngay ngày nhậm chức của Lại Thanh Đức thì sức răn đe sốc sẽ mạnh hơn nhiều, nhưng tính toán Tập Cận Bình thường “không đầu không đuôi” nên hệ quả là lãng phí, bị xem như ông không đạt được trò trống gì.

Ông Lại Thanh Đức vẫn ám chỉ vấn đề độc lập của Đài Loan (không tuyên bố thẳng Đài Loan độc lập) như mũi kim châm vào chỗ đau của Tập Cận Bình, dù Tập Cận Bình muốn phát động chiến tranh cũng không có cơ sở chính đáng, đành chỉ tập trận quân sự không có tác dụng răn đe, hệ quả như làm trò hề. Chuyện này chỉ làm người dân Đài Loan ngày càng cười vào các chiêu trò đe dọa của ĐCSTQ, khiến các cuộc tập trận quân sự có quy mô đến đâu cũng vô ích.

Sau cuộc tập trận vòng quanh Đài Loan, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã công bố một đoạn video, trong đó máy bay chiến đấu J-16 của ĐCSTQ do Liên Xô sản xuất đã lọt vào tầm ngắm của máy bay chiến đấu F16 Đài Loan do Mỹ sản xuất. Ý nghĩa ở đây là: Bất cứ lúc nào quân ĐCSTQ cũng toi mạng nếu Đài Loan thẳng tay, chiến thắng nằm ở chất lượng chứ không phải số lượng vũ khí. Giống như một đám nông dân cầm cuốc hò hét hù dọa ngoài cửa nhà người ta mà không biết người nhà đó có súng máy nhắm vào họ.

Các cuộc biểu tình công khai bên ngoài Viện Lập pháp của Đài Loan ngày càng dữ dội trong những ngày gần đây, có khả năng gây ra một làn sóng nổi dậy khác chống ĐCSTQ của người Đài Loan, sẽ gây ra những ảnh hưởng chính trị cực kỳ tiêu cực đối với hai đảng phái thân ĐCSTQ tại Đài Loan là Quốc dân đảng và Đảng Nhân dân (TPP), như vậy chỉ khiến chính sách mặt trận thống nhất của ĐCSTQ thêm thất bại. Theo các cuộc thăm dò ở Đài Loan, hơn 80% người dân coi mình là người Đài Loan. Ông Lại Thanh Đức có cơ sở lòng dân mạnh mẽ này, có được hậu thuẫn mạnh mẽ về thực hiện các chính sách.

Trong bối cảnh ĐCSTQ phô trương thanh thế, hiệu quả hoạt động của Nvidia càng tăng mạnh khi các đơn đặt hàng từ TSMC Đài Loan đổ về gia tăng. TSMC đang chuẩn bị mở rộng năng lực sản xuất và các công ty công nghệ cao lớn trên thế giới đang đầu tư mạnh vào Đài Loan. Để đối phó với cuộc tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương của ĐCSTQ, phản ứng của Mỹ là tổ chức ngay một cuộc tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương gồm 29 nước, theo đó thể hiện Vành đai Thái Bình Dương sẵn sàng ứng phó Vành đai đảo Đài Loan mà ĐCSTQ giăng ra với thế trận 29 đối phó 1, bên nào mạnh đã rõ! Ngoài việc nhảy lung tung, ĐCSTQ không thể có động thái thực chất nào hiệu quả. Biện pháp của Tập Cận Bình chẳng qua là nhằm trút cơn giận trong bất lực, chỉ làm lộ sự kém cỏi của bản thân.

Võ miệng áp đảo võ thực chỉ an ủi cơn tức bản thân hơn là tác dụng đối với địch thủ, bản chất phù phiếm hư ngụy của Tập Cận Bình chỉ có vậy. Một số cơ quan truyền thông quốc tế công khai lo lắng nguy cơ chiến tranh là thực sự không cần thiết, nếu có khả năng đó cũng không thể ngăn chặn, vậy việc hoảng loạn vô cớ có ích gì? Điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị, ngoài như vậy thì điều khác nên làm là hãy cứ tập trung sống tốt trong cuộc sống hàng ngày.

Nghiêm Thuần Câu
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của nhà văn Nghiêm Thuần Câu – Đại học Trung văn Hồng Kông, được cho phép đăng lại từ trang Facebook của ông.)