Theo RIA Novosti của Nga đưa tin hôm Chủ Nhật (16/6), 12 quốc gia tham dự “hội nghị hòa bình” Ukraine tại Thụy Sĩ đã từ chối ký vào tuyên bố chung cuối cùng. RIA Novosti đưa ra nhận định này dựa vào danh sách các quốc gia đã chuẩn thuận văn kiện quan trọng nhất của hội nghị do Tổng thống Ukraine Zelensky đề xướng và chủ trì.

Zelensky tai hoi nghi hoa binh Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại buổi họp báo bế mạc Hội nghị Hòa bình Ukraine vào ngày 16 tháng 6 năm 2024 tại Lucerne, Thụy Sĩ. (Nguồn ảnh: Sedat Suna/Getty Images)

Theo danh sách, Armenia, Brazil, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Nam Phi, và UAE nằm trong số các quốc gia không ký vào tuyên bố chung. Bốn tổ chức quốc tế trong đó có Liên Hiệp Quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng có động thái tương tự.

Trong khi đó, 79 quốc gia trong đó có Hungary, Serbia, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia cùng 4 tổ chức quốc tế đã tham gia cùng với Ukraine tán thành tuyên bố chung.

Tuyên bố chung của “hội nghị hòa bình Ukraine” chưa được công bố, nhưng theo Reuters dẫn bản thảo hôm 13/6, thì văn kiện quan trọng này đổ lỗi “cuộc chiến tranh chống lại Ukraine” cho Nga, cáo buộc Moscow gây ra “đau thương và hủy hoại con người quy mô lớn” và “gây ra rủi ro và khủng hoảng với các hậu quả toàn cầu”.

Tuyên bố chung kêu gọi toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine “bên trong các đường biên giới đã được quốc tế công nhận” phải được tôn trọng – đặc biệt, khôi phục lại quyền kiểm soát của Ukraine đối với Nhà máy Điện Hạt nhân Zaporozhye, cũng như Ukraine được tiếp cận các cảng biển trên Biển Đen và Biển Azov.

Tuyên bố chung cũng yêu cầu thả tất cả tù nhân chiến tranh thông qua “trao đổi hoàn toàn”, và hồi hương những trẻ em Ukraine “đã bị trục xuất và sơ tán trái luật”.

Hiện chưa rõ tại sao nhiều đại diện các quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự hội nghị hòa bình lại không ủng hộ tuyên bố chung cuối cùng.

Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan Al Saud sáng Chủ Nhật (16/6) nói rằng bất kỳ tiến triển có ý nghĩa nào đối với một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này sẽ đòi hỏi phải có sự tham dự của Nga.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer trước đó đã dự đoán rằng không phải tất cả những người tham dự hội nghị đều sẽ ký vào tuyên bố chung, bởi vì “đó là một vấn đề của lựa chọn từ ngữ cụ thể”.

Nga không được mời tham dự hội nghị hòa bình này và bản thân Moscow cũng tuyên bố rằng họ sẽ không tham gia ngay cả khi được mời bởi vì hội nghị chỉ tập trung vào các đòi hỏi của Ukraine.

Hơn 160 quốc gia đã được mời tham dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ, nhưng gần một nửa trong đó đã từ chối tham gia vì vắng mặt Nga. Danh sách tham dự cuối cùng bao gồm đại diện đến từ 92 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến châu Âu tuần trước nhưng không ở lại dự hội nghị hòa bình mà cử Phó Tổng thống Kamala Harris dự thay. Bà Harris cũng chỉ dự hội nghị một cách chớp nhoáng rồi rời đi sớm.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có mặt tại khu nghỉ dưỡng Buergenstock để tham dự hội nghị hòa Bình. Tuy nhiên, ông Scholz đã không dự buổi họp ngày thứ hai do phải trở về nước họp hội nghị đảng bất thường.

Trong phát biểu bế mạc hội nghị, Thủ tướng Viola Amherd của nước chủ nhà Thụy Sĩ đã cảnh báo rằng, “con đường phía trước là dài và thách thức”.

Tại hội nghị ở Thụy Sĩ, không có quốc gia nào đứng ra nhận lời làm chủ nhà cho một cuộc họp tương tự tiếp theo. Ngay cả Ả Rập Saudi, quốc gia được cho sẽ là chủ nhà hội nghị hòa bình Ukraine lần tới, cũng im lặng. Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan Al chỉ nói rằng Vương quốc này sẵn sàng trợ giúp tiến trình hòa bình nhưng một giải pháp khả thi sẽ tùy thuộc vào “nhượng bộ khó khăn”.

Từ sau các hội nghị hòa bình trực tiếp giữa Nga và Ukraine trong những tháng đầu tiên sau khi chiến tranh bùng nổ vào cuối tháng 2/2022, phía Ukraine đã luôn luôn kiên định yêu cầu Nga phải rút quân khỏi tất cả các lãnh thổ của Kyiv, trong khi Moscow yêu cầu phải công nhận quyền kiểm soát các lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng sau chiến tranh.

Tuần trước, Tổng thống Nga Putin khi phát biểu tại một hội nghị với các tướng lĩnh và quan chức cấp cao Nga đã tuyên bố rõ ràng rằng Moscow sẽ không dừng cuộc chiến tranh này cho đến khi Kyiv rút hết quân đội khỏi 4 khu vực mà Nga đã sáp nhập, nhưng trên thực địa cũng chưa kiểm soát được hoàn toàn. Kyiv đã nhanh chóng lên án đề nghị đó của Nga rõ ràng là “tối hậu thư” yêu cầu đầu hàng.

Hải Đăng (T/h)