Với 120 trạm phát xung quanh Trung Quốc, Sound of Hope là một trong những mạng phát thanh sóng ngắn lớn nhất vào Trung Quốc. Hơn nữa, đây còn là một mạng vô tuyến được thành lập với mục tiêu mang đến tin tức cho những con người sống dưới sự kiểm duyệt của chế độ.

Nhiều năm trước, bên trong một nhà tù đông đúc ở Trung Quốc, luật sư mù Chen Guan Cheng (Trần Quang Thành) đã giấu tài sản quý giá nhất của mình bên trong một hộp sữa, thoát khỏi sự giám sát của lính canh.

Đó là một đài phát thanh sóng ngắn bỏ túi.

Trong 3 năm, ông Chen luôn mong đợi khoảng thời gian sau giờ giới nghiêm. Trùm chăn lên đầu, kéo ăng-ten kim loại dọc cạnh cơ thể, ông nằm yên cảm nhận chiếc đài rung lên, mang đến sự sống, mang đến thông tin về thế giới bên ngoài bức tường của nhà tù. Những người thỉnh nguyện, những người biểu tình, những vi phạm nhân quyền, một phong trào quần chúng nhằm cắt đứt quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc – trong âm thanh nho nhỏ đó, vị luật sư mù như được nhìn thấy tất cả – được tự do.

Hơn một thập kỷ kể từ khi luật sư mù Chen Guan Cheng thành công trốn thoát sang Mỹ, số lượng các đài phát thanh phương Tây dành cho những người Trung Quốc khao khát thông tin không bị kiểm duyệt đã giảm đáng kể.

Các đài phát thanh lớn như BBC, Deutsche Welle, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã cắt giảm dịch vụ ở Trung Quốc hoặc chuyển các chương trình lên mạng. Trong khi đó, “Vạn lý trường thành”, cỗ máy kiểm duyệt của chế độ nhằm cô lập hệ thống mạng tại Trung Quốc lại ngày càng lớn mạnh hơn.

Kiên trì đi ngược xu thế đó là một mạng phát thanh mang tên Sound of Hope (Đài Phát thanh Hy vọng), với các chương trình phát sóng 10 giờ tối và nửa đêm, từng giúp luật sư Chen cập nhật các vấn đề thời sự ở Trung Quốc trong những năm ông ở tù.

Sound of Hope hiện đã là một trong những mạng lưới phát sóng sóng ngắn lớn nhất khắp Trung Quốc, với khoảng 120 đài tín hiệu phát sóng tới Trung Quốc 24/7. Hơn nữa, mạng phát thanh này phần lớn do tình nguyện viên điều hành.

Allen Zeng, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Sound of Hope, cho rằng mạng sóng ngắn là giải pháp cho tình trạng kiểm duyệt của các chế độ độc tài. Vì một chính phủ “có thể tắt internet, thực hiện hành vi giết người, rửa sạch máu và bật lại”, ông Allen nói, đồng thời chỉ ra mô hình chặn internet của Iran trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Tuy nhiên, với đài phát thanh sóng ngắn, “họ không có nơi nào để tắt nó đi. Giống như mưa rơi từ trên trời xuống – họ không có cách nào che được bầu trời.”

Chuyen ve Sound of Hope 01
Allen Zeng, đồng sáng lập và CEO của Sound of Hope. (Ảnh: Jennifer Zeng, The Epoch Times)

Một tiếng nói đáng tin cậy

Hành trình của Allen và Sound of Hope bắt đầu vào năm 2004. Khi đó ông đang là kỹ sư ở Thung lũng Silicon.

Lúc này, bên trong Trung Quốc, một chiến dịch quy mô toàn quốc đã được tiến hành 5 năm, nhắm vào hàng chục triệu người Trung Quốc sống theo Chân, Thiện, Nhẫn – ba nguyên lý chính của Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị đàn áp vào năm 1999 vì có quá nhiều người theo tập.

Bỏ tù tùy tiện, cưỡng bức lao động, lạm dụng thuốc tâm thần và lạm dụng tình dục đối với các nạn nhân của cuộc đàn áp – Đó là những câu chuyện kinh khủng truyền ra từ Trung Quốc và là động lực để Allen cùng một nhóm Hoa kiều cảm thấy không thể khoanh tay đứng nhìn.

“Chúng tôi phải làm điều gì đó. Chúng tôi cần phải chấm dứt việc giết chóc”, Allen kể.

Điều đầu tiên Allen nghĩ đến là đài radio sóng ngắn, một vật dụng gia đình ở Trung Quốc kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Allen và các sinh viên đại học khác đã từng sử dụng nó vào năm 1989, năm mà chính quyền cộng sản Trung Quốc lăn bánh xe tăng lên người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn. Bấy giờ, thông tin bị kiểm duyệt và ngoài radio sóng ngắn thì “không có gì khác có thể tin cậy được”, Allen nói.

Nhóm của Allen bắt đầu việc phát sóng ngắn với quy mô nhỏ: thuê một giờ phát sóng từ đài truyền thanh quốc tế Đài Loan.

Vào khoảng thời gian đó, “Cửu bình”, một loạt bài xã luận của tờ Epoch Times giải thích bản chất của chế độ Trung Quốc, vừa được xuất bản và Sound of Hope đã chuyển thể loạt bài này thành các bản thu âm. Các bản thu âm đó đã gây tiếng vang lớn ở Bắc Kinh đến nỗi các đài thu sóng ngắn tại đây đã hết hàng trong nhiều tháng.

Phản hồi và những lời động viên từ các thính giả có khả năng vượt tường lửa đã cổ vũ Sound of Hope tiếp tục phát triển. Những người bất đồng chính kiến cũng bắt đầu tham gia. Chương trình phát thanh trở nên đa dạng hơn. Chẳng bao lâu, Sound of Hope đã trở thành khách hàng lớn nhất của đài truyền thanh quốc tế Đài Loan.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu chú ý. Bắc Kinh gây áp lực lớn lên các công ty Đài Loan, và buộc họ phải dừng hợp tác với Sound of Hope.

Nhóm của Allen phải bắt đầu lại từ đầu.

Tháp “Hải âu”

Khi mối quan hệ hợp tác với Đài Loan rạn nứt, các kỹ sư của Sound of Hope đã chạy đua để phát triển giải pháp của riêng mình. Họ lấy cảm hứng từ cách hoạt động của máy thu phát sóng vô tuyến trên tàu đánh cá. Kết quả là một tháp phát sóng nhỏ xuất hiện tại Đài Loan với các ăng-ten hướng lên trên và xòe ra như đôi cánh. Họ đặt biệt danh cho nó là “Hải âu”.

Tháp “Hải âu” đầu tiên có mức công suất rất khiêm tốn là 100 watt – nhỏ hơn 1000 lần so với dịch vụ vô tuyến nhỏ nhất mà họ thuê được từ Đài Loan. “Đó là thứ duy nhất chúng tôi có thể đầu tư”, Allen kể.

“Hải âu” số 1 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và nhiều phiên bản tiếp theo cũng vậy. Tín hiệu của họ nhanh chóng bị chính quyền Trung Quốc gây nhiễu. Nhưng họ đã có một khám phá quan trọng: Ở mức 100 watt, họ vẫn có khả năng phát sóng.

Chuyen ve Sound of Hope 02
Các đài Sound of Hope gần Trung Quốc vào năm 2014 và 2015. (Ảnh do Allen Zeng cung cấp)

Các kỹ sư tiếp tục sản xuất và tinh chỉnh các tháp “Hải âu” mới. “Việc ấy giống như đi trong bóng tối vậy – chúng tôi không biết liệu đường hầm này có điểm cuối hay không,” Allen nói.

Cuối cùng, ở lần thử thứ 16, họ đã có bước đột phá quan trọng. Tín hiệu xuyên qua và giữ ổn định bất chấp việc gây nhiễu tín hiệu của chế độ Trung Quốc.

“Có thể nói chúng tôi đã đánh bại họ”, Allen chia sẻ.

Mở rộng

Bên cạnh những thách thức về mặt kỹ thuật, việc đưa các trạm vào hoạt động cũng không phải là điều dễ dàng. Vùng hoang dã, vị trí tốt nhất để truyền tín hiệu không bị gián đoạn, cũng là nơi ẩn náu của những loài vật nguy hiểm, từ bọ cạp đến rắn.

Hsieh Shih-mu, một tình nguyện viên, đã từng giẫm phải một con rắn và nhìn thấy nhiều con rắn khác trong khi chế tạo một số tháp “Hải âu” ở cực nam Đài Loan. Nhiều khi, sau khi loạng choạng đi xe máy về nhà trên con đường núi tối đen như mực, người anh đầy vết muỗi đốt.

Hẹp và lầy lội, con đường trở nên nguy hiểm gấp đôi sau cơn mưa. Một lần, một tình nguyện viên khác suýt nữa đã rơi khỏi dốc nếu không có cành cây ven đường đỡ lấy xe máy của anh. Người ta đã phải gọi xe kéo để kéo anh lên.

Để dựng các tháp “Hải âu”, các tình nguyện viên phải tự làm tất cả công việc, từ trộn bên tông, hàn kim loại đến dựng trục.

Ngay cả sau khi tháp vô tuyến đã hoạt động ổn định, các bộ phận sẽ trở nên cũ và hỏng hóc. Sự can thiệp của Bắc Kinh, động vật hoang dã, thời tiết khắc nghiệt, bất cứ điều gì đều có thể khiến tín hiệu bị đứt quãng. Cần phải có nhân sự liên tục theo dõi tín hiệu, sẵn sàng xử lý sự cố.

“Chúng tôi không biết mức độ ảnh hưởng của công việc mình làm đến đâu, nhưng chúng tôi nghe nói đây là một việc có thể thực hiện được, nên chúng tôi đã tham gia”, Hsieh Shih-mu chia sẻ. “Và chúng tôi đã kiên trì tiếp tục.”

Chuyen ve Sound of Hope 05
Vị trí nơi Hsieh Shih-mu dựng tháp Hải âu ở miền nam Đài Loan, chụp vào ngày 31 tháng 1 năm 2024. Con đường được trải nhựa từ năm 2015. (Ảnh do Hsieh Shih-mu cung cấp)

Vị trí mà Hsieh phụ trách nằm trên đỉnh một ngọn núi, phủ sóng vùng đồng bằng Châu Giang phía nam Trung Quốc, một trung tâm kinh tế và sản xuất quan trọng.

Ngày nay, theo một “ước tính khiêm tốn”, Allen tin rằng toàn bộ mạng lưới vô tuyến phủ sóng tới 60% Trung Quốc và 80% dân số nước này, bao gồm cả Tây Tạng và Tân Cương, những vùng bị giám sát chặt chẽ.

Allen cho biết, doanh thu của Sound of Hope đến từ các hoạt động tại Hoa Kỳ, bằng cách cho các mạng vô tuyến khác thuê giờ phát sóng và tiếp nhận quyên góp. Với 120 tháp xung quanh Trung Quốc, mạng lưới “Hải âu” lớn gấp vài lần Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và Đài Á Châu Tự do, hai mạng lưới vốn dựa trên nguồn tài trợ từ chính phủ.

Tổn thất

Không thể chặn sóng của Sound of Hope, chế độ Trung Quốc chuyển mục tiêu. Sau khi theo dõi các tín hiệu để tìm ra vị trí của các tháp “Hải âu”, chế độ gây áp lực buộc các nước xung quanh phải xóa bỏ các tháp này.

Một mục tiêu trong số đó là tháp “Hải âu” ở miền bắc Thái Lan. Theo doanh nhân Đài Loan Chiang Yun-hsin, vào tháng 8 năm 2018, cảnh sát Thái Lan đã đột kích, tháo dỡ thiết bị và lấy đi mọi thứ từ trạm này, thậm chí cả quạt điện.

Ông Chiang bị bắt vào tháng 11 năm đó và bị đưa đến đồn cảnh sát Bangkok trong đêm. Sau khi bị bắt, một trong các sĩ quan cảnh sát Thái Lan đã nói với ông rằng cảnh sát Trung Quốc đã xác định được văn phòng của ông Chiang thông qua hình ảnh vệ tinh. Cảnh sát Trung Quốc quyết tâm hành động đến mức họ đã bay tới Bangkok để yêu cầu các đối tác Thái Lan gỡ bỏ mạng lưới này. Công tố viên sau đó nói với luật sư của ông Chiang rằng Đại sứ quán Trung Quốc kiên quyết đưa ông vào tù.

“Họ muốn dùng trường hợp của tôi làm gương”, ông Chiang kể.

Ông Chiang, một người tu luyện Pháp Luân Công, cho biết chính quyền Trung Quốc đã cố gắng bôi nhọ đức tin của ông. Nhưng vào một sáng khi chứng kiến ông Chiang ngồi thiền, một sĩ quan Thái Lan đã ấn tượng đến nỗi nói to lên rằng không hiểu tại sao người ta lại nói ông Chiang là một người nguy hiểm.

Cuối cùng ông Chiang bị đuổi khỏi Thái Lan với lệnh cấm nhập cảnh 10 năm. Nhưng ông nói rằng ông không hề hối tiếc, vì ông đã làm điều đúng đắn.

Ông Chiang kể rằng vào năm 2002 ở Trường Xuân, phía đông bắc Trung Quốc, một nhóm người tập Pháp Luân Công đã liều mạng chèn sóng truyền hình để phát sóng một chương trình nói rõ sự thật về những tuyên truyền thù hận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công. Nỗ lực đó đã mang đến sự thật cho hàng triệu người, nhưng cũng dẫn đến một cuộc tấn công bắt bớ điên cuồng hàng triệu người.

Chuyen ve Sound of Hope 06
Lưu Thành Quân, người đã chèn sóng Đài Truyền hình Cáp Trường Xuân, trước khi bị tra tấn đến chết tại Nhà tù Cát Lâm. (Ảnh: Minghui.org)

Từ bên kia eo biển, ông Chiang đã đọc về cuộc bắt bớ và tra tấn dã man, giết chết nhiều người tại các nhà tù ở Trung Quốc và khiến nhiều người phải chạy trốn tha hương.

Bởi vậy đối với ông, bất cứ hy sinh nào đều là “tầm thường”, so với sự hy sinh của những người tập Pháp Luân Công ở Trường Xuân ngày ấy.

Đài phát thanh quý giá

Chen Guan Cheng, một luật sư mù tự học, nổi tiếng vì hoạt động pháp lý giúp đỡ người nghèo ở Trung Quốc, đã có chiếc radio sóng ngắn đầu tiên vào những năm 1990. Kể từ đó cho đến năm 2012, khi trốn đến Đại sứ quán Mỹ và giành được tự do ở Hoa Kỳ, Chen chưa bao giờ thiếu một chiếc radio sóng ngắn bên người.

Trong thời gian bị quản thúc tại gia và bị giam trong tù vì vận động nhân quyền, thiết bị này cho phép luật sư Chen tiếp tục kết nối với thế giới.

Khi bị chế độ Trung Quốc bỏ tù vì lên tiếng phản đối chính sách cưỡng ép phá thai, luật sư Chen đã bí mật mang vào tù một chiếc đài thu sóng ngắn bên trong một hộp sữa, qua mặt hệ thống camera giám sát, qua mặt các tù nhân và các cai ngục.

Ông Chen cho biết, ngay cả khi điện thoại thông minh và máy tính phổ biến, công nghệ thu phát sóng ngắn vẫn còn phù hợp, đặc biệt là ở vùng nông thôn Trung Quốc. Mức giá thành thấp, không phụ thuộc vào internet, cũng như khả năng vượt qua kiểm duyệt là ưu điểm vượt trội của loại hình phát thanh này.

“Đó là giao tiếp một chiều nhưng vẫn rất quan trọng”, ông Chen chia sẻ. “Ngay cả khi bị nhốt, ít nhất suy nghĩ của bạn sẽ không lạc nhịp với xã hội này.”

Ông Chen nhận xét rằng Sound of Hope “có lợi thế hơn” khi đưa tin chi tiết về các vấn đề xã hội của Trung Quốc. “Ai đó phải để mắt đến sự đau khổ ở khu vực này của thế giới và đặt việc ấy dưới ánh đèn sân khấu quốc tế. Cần có nhiều nguồn lực hơn dành riêng cho lĩnh vực này.”

Khi những bên khác rút lui, Sound of Hope hứa sẽ làm được điều đó. “Đây là điều mà chính phủ Trung Quốc lo sợ nhất. Tại sao họ lại tốn nhiều công sức như vậy để làm nhiễu chúng tôi, thậm chí cho đến tận ngày nay?”, Allen chia sẻ.

Theo “The Sprawling Radio Network That China’s Firewall Can’t Stop”
Đăng trên The Epoch Times

Tác giả: Eva Fu
Quang Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: