Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu (14/6) nói rằng Nga sẽ kết thúc chiến tranh tại Ukraine chỉ khi Kyiv đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút toàn bộ quân đội khỏi 4 khu vực đã sáp nhập vào Nga. Tổng thống Zelensky đã nhanh chóng bác bỏ đề xuất của người đồng cấp Nga, gọi đó là ‘tối hậu thư’, tương đương với bắt ép Kyiv phải đầu hàng.

Tổng thống Putin nói trong cuộc họp hôm thứ Sáu (14/6) với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và các nhà ngoại giao cấp cao khác của Nga rằng quân đội Ukraine phải rút hết khỏi 4 khu vực lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga năm 2022.

Nga hiện nay bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Kyiv đối với 4 khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye. Moscow vào mùa thu năm 2022 đã tổ chức trưng cầu dân ý tại 4 khu vực này và kết quả cho thấy người dân đa số nói tiếng Nga ủng hộ việc sáp nhập vào liên bang.

Ukraine và các nước phương Tây hậu thuẫn họ lên án các cuộc trưng cầu dân ý đó là “gian lận” và “bịp bợm”. Họ trước đó cũng đưa ra lập luận tương tự khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014.

Ông Putin tuyên bố: “Tôi nhấn mạnh: toàn bộ lãnh thổ của những khu vực này là được xác định bởi những đường biên giới hành chính vào thời điểm các lãnh thổ đó gia nhập Ukraine [tháng 8/1991]”.

Phía chúng tôi sẽ ra lệnh đình chiến và bắt đầu đàm phán ngay sau khi Kyiv tuyên bố rằng họ sẵn sàng thực hiện quyết định này và bắt đầu rút quân đội thực sự khỏi các khu vực đó, và cũng chính thức thông báo với chúng tôi rằng họ không còn có ý định gia nhập NATO nữa”, Tổng thống Putin cam kết.

Chúng tôi trông mong Kyiv sẽ thực hiện các quyết định như rút quân, vị thế trung lập, và đối thoại với Nga một cách độc lập dựa trên những thực tế hiện nay và được định hướng bởi những lợi ích thực sự của người dân Ukraine và không phải là theo lệnh của phương Tây, đó là những điều mà tương lai tồn tại của Ukraine phụ thuộc vào”, ông Putin nhấn mạnh.

Tổng thống Nga khẳng định rằng vào lúc này, Moscow sẽ không chấp nhận một cuộc xung đột đóng băng mà từ đó sẽ cho phép Mỹ và các đồng minh của Mỹ tái vũ trang, cũng như tái thiết quân đội Ukraine. Ông Putin cho rằng giải pháp toàn diện cho vấn đề này sẽ liên quan đến việc Kyiv công nhận 4 khu vực mới sáp nhập và Crimea là một phần của Nga.

Trong tương lai, tất cả những lập trường có tính nguyên tắc nền tảng đó phải được ghi rõ trong các thỏa thuận quốc tế cơ bản. Đương nhiên, cũng phải bao gồm việc dỡ bỏ tất cả các chế tài của phương Tây chống lại Nga”, ông Putin nói.

Tổng thống Nga cho biết việc chấp nhận những điều khoản này sẽ cho phép mọi người liên quan đến cuộc xung đột vũ trang Ukraine lật sang trang mới và dần dần xây dựng lại các mối quan hệ đã bị tổn hại.

Ông Putin nói thêm rằng, cuối cùng cần phải tạo ra một hệ thống an ninh liên châu Âu đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trên toàn lục địa này. Ông nhấn mạnh rằng Moscow đã đang theo đuổi hệ thống an ninh đó trong nhiều năm.

Tổng thống Zelensky đã lập tức lên tiếng bác bỏ các điều kiện hòa bình mà người đồng cấp Nga nêu ra.

Tôi có thể nói gì đây? Những thông điệp này là những thông điệp tối hậu thư, chúng không khác gì hơn những tối hậu thư mà ông ta đã đưa ra trước đây”, Tổng thống Zelensky nói với mạng truyền hình Sky TG24 trong khi tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 ở miền nam nước Ý.

Ông [Putin] muốn chúng tôi từ bỏ một phần những lãnh thổ đã bị chiếm đóng của chúng tôi, nhưng ông ta cũng muốn những phần chưa chiếm đóng được. Ông ta nói về những khu vực của đất nước chúng tôi, và ông ta sẽ không dừng lại”, ông Zelensky tuyên bố.

Phản ứng với phát biểu của ông Zelensky, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Sáu (14/6) nói rằng việc lãnh đạo Ukraine gắn nhãn đề xuất của Tổng thống Putin là tối hậu thư “là hiểu sai hoàn toàn”.

Đây là đề xuất toàn diện, rất sâu sắc và mang tính xây dựng”, ông Peskov nói với tờ Izvestia. Ông giải thích thêm rằng, nếu các điều khoản dường như khắc nghiệt hơn những gì được Moscow đề xuất vào mùa xuân năm 2022, thì đó là vì “tình hình khác biệt đã nổi lên” với 4 khu vực lựa chọn trở thành một phần của Nga.

Tổng thống Nga Putin vạch ra các điều kiện đình chiến với Ukraine ngay trước thềm hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ. Phía Ukraine thời gian qua đã khẳng định nhiều lần rằng Nga không thể được mời tham gia hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ bởi vì Moscow sẽ cố gắng “chiếm lĩnh” sự kiện này thông qua thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho “công thức hòa bình” mà chính phủ Ukraine đã khởi xướng và đang kêu gọi xúc tiến triển khai.

Hải Đăng (T/h)