Thứ bảy ngày 15/6, Trung Quốc đã thực thi quy định hàng hải mới, theo đó, công dân nước ngoài bị Trung Quốc coi là “đi qua biên giới” có nguy cơ bị lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc bắt giữ. Động thái này gây ra phản ứng dữ dội từ Philippines, và làm dấy lên lo ngại căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

r shutterstock 2299612209
Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đang trên biển thuộc khu vực Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 27/04/2023 (Ảnh: Tao Jiang / Shutterstock)

Quy định hàng hải nghiêm ngặt của Trung Quốc “Quy định thủ tục thực thi hành chính đối với các cơ quan cảnh sát biển” sẽ có hiệu lực vào ngày 15/6.

Theo báo cáo của Nikkei Asia vào ngày 14/6, quy định này sẽ cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc nhắm mục tiêu vào những người nước ngoài vượt qua các ranh giới trên biển được phân định bởi chính quyền Bắc Kinh. Họ có thể bị giam giữ không xét xử tới 60 ngày, với lý do “nhập cảnh phi pháp”.

Động thái này khiến quan chức và chuyên gia Philippines lo ngại, rằng ngư dân Philippines đánh cá ở vùng biển tranh chấp có thể bị bỏ tù, khiến xung đột chủ quyền ở Biển Đông leo thang trở lại.

Tổng thống Philippines Marcos cho rằng quy định này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bộ Ngoại giao Philippines cũng lên án và chỉ ra rằng nếu cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ công dân Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo quy định này, họ sẽ trực tiếp vi phạm luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, luật pháp trong nước của một quốc gia không thể được áp dụng và được thực thi trong phạm vi lãnh thổ, vùng biển hoặc quyền tài phán của quốc gia khác, cũng như không thể xâm phạm quyền của các quốc gia có chủ quyền khác theo luật pháp quốc tế.

Trong những năm gần đây, xung đột giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông ngày càng gia tăng.

Tàu bảo cảnh sát biển của Trung Quốc vốn thường sử dụng các cuộc tấn công bằng vòi rồng, và cố tình va chạm để cản trở các hoạt động tiếp tế và cứu hộ nhân đạo của Philippines ở Biển Đông.

Xung đột mới nhất giữa hai nước ở Biển Đông xảy ra vào đầu tháng này. Khi đó, cảnh sát biển Trung Quốc đã ngăn cản một thủy quân lục chiến Philippines bị ốm di tản khỏi Bãi cạn Thomas 2 trên hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Philippines đã lên án hành động này của Trung Quốc là man rợ và vô nhân đạo.

Trung Quốc có thể bắt giữ ngư dân Philippines làm con tin

Về việc Trung Quốc sắp thực hiện các quy định hàng hải mới, ông Dindo Manhit, chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Philippines (Viện Stratbase ADR), nói với Nikkei Asia rằng điều này sẽ khiến hoạt động tiếp tế và cứu hộ của các tàu Philippines ở Biển Đông trở nên khó khăn hơn.

Vì nó làm tăng khả năng bị phong tỏa ở các vùng biển liên quan và làm chậm trễ các hoạt động. Ông nói, các quy định mới của Trung Quốc đe dọa sinh kế của ngư dân Philippines, cũng như cản trở các nhiệm vụ tiếp tế và nhân đạo của quân đội Philippines ở Biển Đông.

Để giành lợi thế trong cuộc tranh chấp chủ quyền kéo dài, Philippines đã cố tình đưa tàu chiến BRP Sierra Madre vào bãi cạn Thomas 2 vào năm 1999.

Khi các tàu chiến ngày càng bị phong hóa và xuống cấp, môi trường sống trở nên vô cùng nghèo nàn, Philippines cần phải dựa vào việc vận chuyển vật tư thường xuyên và gia cố các thân tàu đổ nát.

Ông Ray Powell, giám đốc Dự án Minh bạch Hàng hải tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford, cũng nói với Nikkei Asia rằng quy định mới của Trung Quốc sẽ ngăn cản một số ngư dân Philippines kiếm sống ở vùng biển tranh chấp.

Ông nói, Manila cần xem xét khả năng Trung Quốc có thể bắt giữ công dân Philippines như một cách để buộc Philippines nhượng bộ trong các tranh chấp trên biển. Trong quá khứ, Bắc Kinh từng sử dụng kiểu ngoại giao con tin này đối với công dân các nước khác.

Tháng 8/2023, chính quyền Bắc Kinh đã công bố “Bản đồ chuẩn phiên bản 2023”, trong đó bao gồm các đảo tranh chấp ở Biển Đông nằm trong lãnh thổ của nước này, gây bất bình cho các nước láng giềng.

Hiện nay, ngoài Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Indonesia đều tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông.

Tờ Financial Times của Anh đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cho biết, Philippines đang phải đối mặt với một “vấn đề mang tính sống còn” trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc. Mặc dù phải liên tiếp đối mặt với sự bắt nạt của Trung Quốc, Philippines vẫn sẽ khẳng định chủ quyền của mình ở biển Đông.

Bình Minh (t/h)