Quá trình trưởng thành của một người là một quá trình dần dần và lâu dài. Chiều rộng của trải nghiệm, chiều dày của kinh nghiệm, chiều sâu của thăng trầm và chiều cao của sự hiểu biết quyết định mức độ trưởng thành của người ấy. Thật ra, sự trưởng thành được thể hiện ở chiều sâu tâm trí chứ không phải ở chiều cao cơ thể. Và nó cần có sự tích lũy thời gian và sự bồi đắp của quá trình tu dưỡng bản thân. 

trang thai truong thanh
Không ai sinh ra tự nhiên đã trưởng thành, mọi sự trưởng thành đều đến từ trải nghiệm của chính chúng ta, cũng như từ sự lặp đi lặp lại không ngừng của quá trình chúng ta nhận thức và đánh giá về mọi thứ trong cuộc sống. (Ảnh: KieferPix/ Shutterstock)

Trưởng thành không phải là chuyện một sớm một chiều, mà nó là sự tích lũy kinh nghiệm của bản thân, từ đó khiến bản thân thay đổi suy nghĩ và quan niệm. Con người luôn thay đổi, kinh qua khổ nạn để luyện tâm, vượt qua mọi chuyện là để nâng cao cảnh giới, và rèn luyện tâm trí là để duy trì sự tĩnh lặng.

Biết suy xét nội tâm

Con người cần soi gương hàng ngày, chỉ khi đứng trước gương người ta mới thực sự nhìn thấy rõ chính mình, phát hiện ra những khuyết điểm để sửa đổi và nhìn ra những điểm yếu để nỗ lực hoàn thiện.

Trưởng thành cũng vậy, nó không phải là không được mắc sai lầm mà là biết cách hướng nội. Hướng nội chính là một quá trình tự nhận thức và tự giáo dục. Trong quá trình học hỏi không ngừng này, bạn học cách cư xử và suy nghĩ đúng đắn về các vấn đề.

Loại hàm dưỡng này tuy tươi sáng nhưng không chói lóa, trầm tĩnh nhưng không bi quan. Nó là thứ không thể giả mạo được.

Biết hài lòng

Chỉ khi tâm biết hài lòng thì mới biết được hạnh phúc; chỉ khi nhận thức được khuyết điểm của mình thì mới biết tự soi xét mình. Người trưởng thành sẽ không bất mãn, không sống trong quá khứ, cũng không thất vọng về tương lai mà họ sẽ luôn tràn đầy niềm tin, có lòng biết ơn và nghiêm túc nắm bắt hiện tại. Bởi vì họ biết rằng, con đường nằm ngay dưới chân và hy vọng đang ở phía trước.

biet hai long
Chỉ khi tâm biết hài lòng thì mới cảm nhận được hạnh phúc. (Ảnh: aaelrahman89/ Shutterstock)

Biết dụng tâm hành sự

Trưởng thành không phải là phục tùng và làm theo lời người khác nói mà nó chính là trạng thái kiên định với nội tâm chân chính của bản thân và không chạy theo đám đông.

Khi gặp khó khăn, tâm trí sẽ không rối loạn; khi gặp sự thay đổi, tâm trí sẽ không hoảng loạn và đối với mọi sự việc đều bình tĩnh.

Tâm bất biến giữa vạn biến

Trưởng thành không phải là trái tim già đi mà là vẫn giữ được nụ cười ngay cả khi đau đớn cùng cực ập đến. Luôn giữ lòng bao dung, nhẫn nại và khi đối mặt với chuyện lớn chuyện nhỏ đều có tĩnh khí an định.

Người trưởng thành sẽ không vì thuận cảnh mà đắc ý kiêu ngạo, cũng không vì nghịch cảnh mà suy sụp ý chí. Họ luôn thản nhiên trước những lợi ích, bình tĩnh trước những mất mát và sống thuận theo tự nhiên.

Người trưởng thành hiểu rằng ý nghĩa cơ bản của cuộc sống không nằm ở thành công hay thất bại mà nằm ở việc đạt đến trạng thái “thản nhiên bất động”.

Biển ôm trọn trăm sông

“Trúc rậm không ngăn được nước chảy qua, núi cao không ngăn được mây trắng bay.”

Đây chính là sự bao dung mà thiên nhiên đã triển hiện. Người trưởng thành biết rằng bao dung cuộc sống chính là thể hiện sự tao nhã; biết ơn cuộc sống khiến con người được sống tự do, tất nhiên là nó sẽ dễ dàng hơn là khi luôn phàn nàn về cuộc sống. Khoan dung không chỉ là một loại trưởng thành mà còn là trí tuệ.

Nhà văn Voltaire đã nói: “Tất cả chúng ta đều có lỗi lầm, và quy luật đầu tiên của tự nhiên là chúng ta hãy tha thứ cho những hành vi ngu ngốc của mình”.

Tường hòa tĩnh lặng

Trưởng thành chính là nhận thức được thế giới nhưng không trần tục và vẫn giữ được sự hồn nhiên như trẻ thơ. Từ đơn thuần đến phức tạp, rồi quay lại sự đơn giản chính là trưởng thành. Từ hỗn loạn đến thanh tỉnh, rồi từ trong thanh tỉnh mà “đại trí nhược ngu” lại chính là trưởng thành. Đây là cách con người trưởng thành thông qua sự tích lũy của thời gian.

Người trưởng thành sẽ không có cảm xúc thăng trầm, cũng không lo lắng được mất mà lòng người vẫn giữ được sự bình yên và tường hòa.

Trạng thái trưởng thành cao nhất là “tâm như nước”

tam tinh nhu nuoc
Khi đối mặt với những thất bại, nếu bạn có thể giữ được “tâm tĩnh như nước”, thì cuộc sống của bạn sẽ bớt nông cạn mà sẽ thật phong phú thi vị. (Ảnh: Mikhail Tchkheidze/ Shutterstock)

Nước là nguồn sống của vạn sự vạn vật trên thế gian. Nước biểu hiện của trí tuệ như bao dung, điềm tĩnh, thâm nhập, chuyển động, chọn lựa, tĩnh lặng và dám nghĩ dám làm, v.v. “Trí giả nhạo thủy”, kẻ trí hiểu rõ đạo lý nên yêu thích sự lưu động không ngừng của nước, vì nước có tính kiên cường bất khuất nhưng tinh thần lại uyển chuyển.

Cuộc sống giống như một dòng sông, nó luôn chảy với những khúc khuỷu và phải vượt qua vô vàn “khúc” để đến đích. Vì vậy, thất bại là trạng thái bình thường của cuộc sống.

Khi đối mặt với những thất bại, nếu bạn có thể giữ được “tâm tĩnh như nước”, thì cuộc sống của bạn sẽ bớt nông cạn mà sẽ thật phong phú, thi vị.

Ở độ cao này người ta có thể nhìn thấy mọi thứ trên đời bằng một trái tim bình thản, và đó là cảnh giới khiến con người có thể nhìn xa hơn, bao quát toàn cảnh hơn và sống trọn vẹn hơn.