Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, nhiều đại diện doanh nghiệp thừa nhận tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn rất khó khăn, kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng cơ cấu lại nợ, thu hẹp quy mô. Đa số doanh nghiệp đang loay hoay tìm hướng đi mới.

Minh phu
Doanh nghiệp Thủy sản không thể xuất khẩu hàng vì chi phí vận tải tăng cao, thiếu container rỗng. Nguồn ảnh: Thủy sản Minh phú.

Doanh nghiệp thủy sản điêu đứng vì dịch bệnh, chi phí xuất khẩu tăng cao

Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) diễn ra ngày 22/6, ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú, một doanh nghiệp lớn nhất trong ngành Thủy sản chia sẻ tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp rất kém.

Hiện nay, tình trạng thiếu tàu, thiếu container rỗng do Trung Quốc thu khiến cho việc xuất khẩu không thể thực hiện được. Ngay cả khi doanh nghiệp chấp nhận giá cao cũng không có được container rỗng để xuất hàng.

Bên cạnh đó, việc tuyển công nhân cho nhà máy cũng rất khó khăn. Từ đầu tháng 3, ông Quang yêu cầu mỗi nhà máy đến tháng 7 phải tuyển dụng đủ 7000 công nhân nhưng đến nay vẫn chưa đạt.

Năm 2023, doanh nghiệp thủy sản này đã lỗ nặng do dịch bệnh tôm, đặc biệt hai vùng nuôi. Tỷ lệ nuôi thành công của Việt Nam rất thấp. Cụ thể, tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ đạt 40%, trong khi Ấn Độ là 70%, còn Ecuador lên đến 90%. Điều đó làm giá thành của Việt Nam cao hơn Ấn Độ 30% và gấp đôi Ecuador.

Hiện nay, ông lớn Thủy sản này vẫn loay hoay đang tìm thêm mặt hàng mà doanh nghiệp có lợi thế về vùng nuôi, chế biến để có thể thu lợi nhuận.

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng liên tiếp khai tử các chi nhánh nhà máy, xí nghiệp sản xuất

Ngày 20/06, HĐQT CTCP Phú Tài đã thông qua chủ trương chấm dứt hoạt động chi nhánh CTCP Phú Tài – Nhà máy chế biến đá ốp lát tỉnh Đồng Nai. Lý do đưa ra là thực hiện tái cơ cấu hệ thống các đơn vị của Công ty.

Đây không phải chi nhánh đầu tiên Phú Tài “khai tử” trong thời gian gần đây. Tính từ tháng 11/2023, Phú Tài liên tục thông báo chấm dứt hoạt động loạt nhà máy gồm chi nhánh Xí nghiệp khai thác đá (Đắk Nông); chi nhánh Nhà máy chế biến đá ốp lát Diên Tân (Khánh Hòa); chi nhánh Nhà máy chế biến đá Bazan, Granite (Đắk Nông).

Doanh nghiệp bánh kẹo chuyển hướng sang thực phẩm thiết yếu, dựa vào kênh phân phối để tồn tại

ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Tập đoàn Kido ngày 19/06 vừa qua là một trong những lần hiếm hoi ông Trần Kim Thành – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn đích thân tham dự, trực tiếp chia sẻ với các cổ đông.

Ông Thành cho biết, từ năm 2008, sau khi cơn bão tài chính càn quét thế giới, mọi thứ đã trở nên bất ổn và việc nhìn về vĩ mô trở nên càng ngày càng phức tạp. Đến nay, thế giới cũng chưa bao giờ ổn định trở lại.

Từ kinh nghiệm năm 2008, ông Thành nhận ra rằng chỉ những ngành nghề gắn liền với nhu cầu thiết yếu hàng ngày mới đủ tiềm lực vượt qua sóng gió. “ trong kinh doanh, chìa khóa thành công chính là khả năng bán hàng. Việc giữ được kênh phân phối bằng nhiều sản phẩm đa dạng mới tạo ra đầu ra ổn định“, ông Trần Kim Thành nhấn mạnh.

May mặc loay hoay tìm lối đi

Từng là một trong những công ty dệt may xuất khẩu hàng đầu tại TPHCM, quy mô hàng ngàn lao động, đến chỗ đối mặt với khó khăn tài chính thời gian dài, kế hoạch kinh doanh của CTCP Garmex Sài Gòn nay chỉ còn phụ thuộc vào hoạt động thanh lý tài sản, trong khi ngành nghề chính là dệt may vẫn chưa có đơn hàng.

Kết thúc quý 1/2024, Garmex không có đơn hàng nên doanh thu gần như mất trắng, chỉ còn 135 triệu đồng. Dù vẫn xác định may là ngành nghề chính, lãnh đạo Garmex cho biết, do công ty hiện không có đơn hàng, trong khi các điều kiện về xanh hóa ngành may vẫn chưa chuyển đổi kịp nên Garmex sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư các ngành nghề mới theo xu thế để phát triển trong trung và dài hạn.

doanh nghiep det may 1539
Doanh nghiệp Dệt may chưa thể vực dậy sau Covid. Nguồn ảnh: Stockbiz

Là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi vẫn còn trụ vững trong nghề, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt xấp xỉ 50% cả kế hoạch doanh thu lẫn lợi nhuận hợp nhất ĐHĐCĐ giao.

Để về đích năm 2024, Tổng Giám đốc Vinatex nhận thấy các thách thức như nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Việc Vinatex may mắn có được những đơn hàng đầu tiên về mặt hàng vải chống cháy, Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận đây là cơ hội mới cho Vinatex và các đơn vị thành viên khi thị trường ngày càng khốc liệt và khó đoán định.

Nguyên Hương (t/h)