Về nhạc phẩm “Khúc tình buồn” của Nguyễn Phú Yên
trong tiểu thuyết Ước hẹn cuối cùng (Ultima Promessa)

Trương Văn Dân

tiểu thuyết “Ultima Promessa” (Ước hẹn cuối cùng) của nhà văn Trương Văn Dân

Tiểu thuyết Ultima Promessa (Ước hẹn cuối cùng)
Trương Văn Dân Nxb Etabeta PS- Milano 11-2023

Thời còn là sinh viên tôi rất mê guitar classic nhưng bận học nên ít có thời gian tập luyện. Rồi một hôm, khoảng năm 1976, bạn Giuseppe rủ đến thư viện Sormani – Milano để tra cứu vài tài liệu. Sau khi photo các trang sách bạn dẫn tôi đi qua một khu khác để nghe nhạc. Anh chọn cho tôi nghe một đĩa nhạc mà sau khi nghe tôi như kẻ thất thần. Vừa bàng hoàng, kinh ngạc vừa như không tin là mình vừa được trải nghiệm một cảm xúc lạ lùng đến vậy!

Giuseppe nói đó là Concierto de Aranjuez.

RODRIGO — CONCIERTO DE ARANJUEZ — II Adagio
Sofia, ngày 5 tháng 12 năm 2007, NDK Sofia, Bulgaria
Dàn nhạc giao hưởng FM-Classic Radio
PEPE ROMERO, Guitar – Nhạc trưởng: Luciano Di Martino

Về sau… thỉnh thoảng tôi cũng còn được nghe và quái lạ, mỗi lần nghe người tôi cứ lâng lâng, tâm trạng vừa vui vừa buồn còn giai điệu của phần adagio trong bản hòa tấu như đã ám ảnh và mê hoặc tôi gần như suốt cả cuộc đời. Mãi đến hôm nay, 50 năm sau, cảm xúc ấy như vẫn không hề thay đổi.

Tôi không hiểu sao mỗi khi nghe là nước mắt tôi cứ chực rơi xuống. Giai điệu của nó như làm tan chảy trái tim tôi! Lúc đó tôi chỉ cảm nhận qua âm thanh, vì bận học, tôi không có thời gian tìm hiểu về bản hòa tấu đặc biệt này mà nếu muốn chắc cũng chưa biết tìm ở đâu. Mãi sau này, nhờ các phương tiện tìm kiếm hiện đại, tôi mới biết Concerto d’Aranjuez được sáng tác bởi nhà soạn nhạc Joaquín Rodrigo người Tây Ban Nha. Lạ một điều là do mắc bệnh bạch hầu nên ông bị mù từ năm 3 tuổi. Còn Concerto d’Aranjuez có lẽ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông.

Tác phẩm này được sáng tác trong thời kỳ mà ông và vợ, Victoria Kamhi – một nghệ sĩ piano trẻ người Thổ Nhĩ Kỳ – đang trải qua những thời khắc tồi tệ nhất. Joaquín Rodrigo sắp hoàn thành tác phẩm thì vợ ông, lúc đó đang mang thai đứa con đầu lòng, bị bệnh nặng và được đưa đến bệnh viện Madrid. Các bác sĩ cho hay là vợ con ông có thể bị nguy đến tính mạng. Bàng hoàng, Rodrigo trở về nhà, ngồi xuống trước cây đàn piano và sáng tác phần adagio của nhạc phẩm.

Phần này giống như một cuộc đối thoại âm nhạc giữa Rodrigo và Chúa. Nó bắt đầu bằng một giai điệu tuyệt đẹp: sau một cuộc đi bộ thất thần trở về nhà ông ngồi than thở với Chúa, cầu xin Ngài đừng lấy đi linh hồn của vợ và con. Những nốt nhạc mở đầu réo rắt và có thể chạm tới trái tim của bất cứ ai, vì sự ngọt ngào của âm thanh và giai điệu: những nốt nhạc rót xuống như lời cầu khẩn thiết tha cùng đôi mắt đẫm lệ của ông, đang ngước lên Chúa, van xin lòng thương xót của Ngài… Nhưng khi dàn nhạc “nói câu trả lời của Chúa” “vợ ông có thể được cứu sống còn đứa con trai thì không”… thì cảm xúc của ông được thể hiện bằng một bản độc tấu guitar, nửa như xót xa cam chịu, chấp nhận điều kiện tàn nhẫn mà Chúa đã ban, nửa như đưa tiễn linh hồn của đứa trẻ chưa chào đời lên thiên đàng, và cùng lúc đó Rodrigo cũng xin tiếp nhận linh hồn của vợ.

Đoạn nhạc này tượng trưng cho niềm vui về sự đoàn tụ vợ chồng nhưng tiềm ẩn nỗi buồn mất con…

Khi biết câu chuyện, được nghe lại khúc Adagio tôi càng xúc động hơn và thấy sự tuyệt vời của nhạc cổ điển, thứ có thể đánh thức tâm hồn và truyền cảm xúc qua vẻ đẹp của âm thanh.

Có thể nói Concerto d’Aranjuez là tác phẩm âm nhạc Tây Ban Nha được biểu diễn nhiều nhất trên thế giới. Nó được lấy cảm hứng từ những khu vườn của Cung điện Hoàng gia Aranjuez (cách Madrid 50 km), dinh thự mùa xuân của Vua Philip II vào nửa sau thế kỷ 16, sau đó được xây dựng lại vào giữa thế kỷ 18 cho vua Fernando VI, bản hòa nhạc muốn đưa người nghe đến với những âm thanh của thiên nhiên, mặc dù những âm thanh này cách xa nhau về không gian và thời gian.

Điều kỳ lạ là Joaquín Rodrigo là một nghệ sĩ dương cầm và không biết chơi guitar. Tuy nhiên, ông đã nắm bắt được tinh thần, sự đa dạng và độc đáo của guitar Tây Ban Nha.

Mỗi đoạn nhạc kể một tình tiết và liên quan đến một cái gì đó trong câu chuyện và hoàn cảnh của ông, nhưng không biết vì sao nó như cũng liên quan đến cuộc sống của tôi, cảm xúc của tôi! Mỗi khi nghe nó đều khuấy động đến phần sâu thẳm trong hồn tôi, gợi cho tôi nhiều kỷ niệm, tuy mỗi lần mỗi khác… nhưng lần nào cũng chạm đến chiều sâu của nỗi đau (mà thực ra nỗi đau sau 1975 là thường trực, bao nhiêu buồn lo về gia đình, thời cuộc, và tương lai mờ mịt của chính mình, đơn độc một thân nơi xứ lạ…) làm tôi cảm giác như nhạc sĩ Rodrigo đã viết nên tác kiệt tác này chỉ để tặng cho tôi.

Nó không chỉ là âm thanh của nhạc… mà là tiếng nức nở trước những buồn lo chưa tìm ra lối thoát.

Tôi là người nhạy cảm nên lắng nghe và lòng như khóc thầm cùng những chuỗi âm thanh. Nước mắt có khi thoát ra như để giải tỏa những nỗi niềm. Hay nhưng… đau!

Tuyệt vời! Tuyệt vời! Tôi chỉ có thể nói được thế, không biết diễn tả gì thêm nữa. Nhưng mời bạn nghe đi, đó không phải là thứ âm nhạc vĩ đại nhất mà con người từng viết đó sao?

Không phải ngẫu nhiên mà chị bạn Adriana của tôi nói rằng chị cứ muốn nghe nó mọi lúc mọi nơi. Trong một căn phòng nhỏ, một mái nhà tranh hay trong căn biệt thự cổ nằm trên đồi hay trên bờ biển xanh mênh mông, qua khung cửa sổ nhìn thấy những bông hồng ngoài vườn đung đưa trong gió… chị nói dù ở nơi đâu cũng luôn cảm nhận được, rằng âm nhạc này là siêu phàm, những nốt nhạc đan kết nhau chặt chẽ để tạo nên một vẻ đẹp thuần khiết, làm ta cảm được một nỗi đau sâu sắc mà nhà soạn nhạc Joaquín Rodrigo đã trải. Chị nói trong một trạng thái tâm hồn đau thương cao độ ông đã để lại cho chúng ta một giai điệu xuất thần, một sự hài hòa từ những run rẩy của trái tim đến những lay động cành lá của thiên nhiên với tư cách là một nghệ sĩ, nhạc sĩ và nhà soạn nhạc tài hoa!

Chị Adriana còn nói là chị có thể nghe ngay cả khi vui hay đang buồn. Chỉ có một số ít “yếu bóng vía” mới “không dám” nghe mà thôi!

Còn Elena thì nói khi nghe bản hòa tấu này tự dưng em nhớ về một cuốn sách đã đọc khi còn là sinh viên: Đó là cuốn tiểu thuyết “Thống khổ và phiêu linh” của Irving Stone viết về tiểu sử của nhà điêu khắc/ họa sĩ lỗi lạc Michelangelo Buonarroti. Tác giả Irving Stone nhắc lại lời của Michelangelo: “Tôi yêu cẩm thạch và hội họa. Tôi yêu kiến trúc và thơ ca. Tôi yêu gia đình, bằng hữu; yêu Chúa, yêu người, yêu khắp các hình thể giữa trời và đất. Tôi yêu sự sống đến ngất ngư, yêu luôn chặng cuối cùng, tức là cái chết.”

Elena nói “Nhà điêu khắc lừng danh này có cuộc đời nhiều thăng trầm, đã phải trải qua bao nhiêu đau khổ, dù vinh quang tột bực nhưng cũng không ít bi thương trước khi có thể “đạt đến ngôi sao không thể với tới của mình”…”

“Riêng về bản hòa tấu Concierto de Aranjuez thì nó như muốn nói với ta là vẻ đẹp vĩ đại nhất thường xuất hiện từ những đau khổ và nghịch cảnh. Nếu đọc tiểu sử của những vĩ nhân anh sẽ luôn thấy điều này: một cú ngã đau đớn, một khoảnh khắc tuyệt vọng, một trở ngại khủng khiếp đến nỗi tưởng không thể vượt qua: Van Gogh bị nhốt trong viện tâm thần, Beethoven bị điếc, Dostoevsky bị án khổ sai…”

“Nhưng chính vào thời điểm đó mà họ sáng tác những tác phẩm hay nhất của mình. Đó là lý do tại sao những tuyệt tác của họ tiếp tục gợi lên những cảm xúc mạnh. Thông qua ngôn ngữ, đá cẩm thạch hay âm thanh siêu việt… họ kể cho chúng ta câu chuyện về một linh hồn bền bỉ và tỏa sáng ngay trong đêm tối.”

Có người nói Concierto de Aranjuez là một trong những giai điệu đẹp nhất thế giới. Tôi cũng bị nó cuốn và ám ảnh bao nhiêu năm, mỗi lần nghe đều thấy tuyệt hay, tuy rất buồn; Còn tâm hồn như bay bổng trong một nỗi niềm lâng lâng, khó tả.

Rồi thời gian trôi đi! Sau nhiều năm tháng, tôi tốt nghiệp ra trường, làm tổng hợp Hóa dược rồi phụ trách phát triển trong các công ty Dược phẩm cho người và thú y… bỗng một hôm, chỉ vì (nhờ?) đọc một truyện ngắn của nhà văn Dino Buzzati mà tôi hiểu được ý nghĩa của thời gian nên quay về với đam mê thời thơ ấu: Khởi đầu dịch, rồi viết và cuối cùng là toàn tâm toàn ý đi theo con đường văn chương.

Đầu năm 2020, khi tôi mới vừa từ Ý bay về Việt Nam được hơn tuần thì dịch Covid 19 bùng phát ở Ý mà Elena bị kẹt ở Milano không về Việt Nam được nên tôi phải bay ngược về Ý! Tưởng chỉ vài tháng là hết ai ngờ hai chúng tôi bị giãn cách ở Ý đến hơn 2 năm.

Trong thời gian này gần như bị “cấm túc” trong nhà nên chúng tôi đọc và viết được khá nhiều. Tôi tranh thủ hoàn thành quyển tiểu thuyết “Ước hẹn cuối cùng” (Ultima Promessa) và loáng thoáng nhớ là lịch sử Concierto de Aranjuez của Joaquín Rodrigo có chút gì hao hao đến câu chuyện mà mình đang viết.

Bèn lên mạng tìm. Và như một định mệnh, bản nhạc này rất phù hợp với tình yêu hạnh phúc và thương đau của hai nhân vật Đôn và Anna trong Ước Hẹn cuối cùng!

Nếu trước đây tôi chỉ cảm nhận qua âm thanh thì giờ đây, trên mạng tôi còn được xem cả video trình diễn các bản hòa tấu và tiếng hát của nhiều ca sĩ. Thật bất ngờ! Khi đi tìm các giọng hát bằng tiếng Ý tôi còn được nghe hát bằng nhiều thứ tiếng khác trên thế giới: Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức…

Có hai giọng hát mà tôi rất thích. Đó là của nữ ca sĩ Paloma San Basilio hát bằng tiếng Tây Ban Nha và nam ca sĩ Pietro Galassi hát bằng tiếng Ý. Nhạc đã rất hay mà còn được hát như nhập tâm cùng với một niềm đam mê say đắm nên âm thanh như từng giọt nhỏ xuống trái tim, làm cảm xúc trào dâng. Cũng như những lần trước, cứ nghe là muốn khóc dù sau này tôi không có lý do gì để thảm sầu thế nhưng lòng tôi cứ như dâng lên một nỗi nhớ cồn cào, những đợt sóng âm thanh như đi theo huyết quản để làm rung động tận thẳm sâu. Vì sao? Tôi cũng không biết… chỉ thấy buồn và muốn khóc. Nhưng không phải vì sầu thương hay đau khổ. Chỉ muốn khóc, thế thôi!

Trong hầu hết các video trình diễn tôi đều thấy thực hiện rất tốt. Mặc dù đây chỉ là một phần của tác phẩm nhưng tôi nghĩ bản hòa tấu này rất khó biểu diễn. Trước hết dàn nhạc phải sử dụng nhiều kỹ thuật và kết hợp tất cả các nhạc cụ lại với nhau, điều này rất thú vị khi xem video. Vì guitar là nhạc cụ chính nên phần lớn video cho hiển thị những ngón tay mềm mại dịch chuyển thật linh động trên phím đàn. Chắc chắn nghệ sĩ đã mất rất nhiều giờ luyện tập để màn trình diễn thành công.

Tôi đã thử viết lời việt dựa theo giai điệu của bài hát Lacrime (Nước mắt) mà ca sĩ Pietro Galassi đã hát nhưng không tìm ra sheet nhạc và ở Ý lúc ấy cũng không có đàn guitar nên khó thể thực hiện. Tôi liền cầu cứu với nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên, một người bạn hay đúng hơn là một người anh và giữa chúng tôi có rất nhiều đồng cảm văn chương. Anh hiền hòa, ít nói nhưng là người sâu sắc luôn có trái tim trăn trở và khát khao hạnh phúc cho đất nước và con người.

Sau một thời gian gọi qua gọi lại, tôi gửi hết các thông tin về bản hòa tấu và dịch lời các bài hát, anh Phú Yên đã viết nên ca khúc “Khúc tình buồn” với lời việt dựa theo dòng nhạc Concierto de Aranjuez của Joaquín Rodrigo.

Mời các bạn lắng nghe ca khúc “Khúc tình buồn” qua tiếng hát của ca sĩ Đông Quân.

PS: Cũng cần nói thêm là khi viết ca khúc này nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên chỉ nghe tóm tắt về tiểu thuyết “Ước hẹn cuối cùng” chứ chưa đọc tác phẩm. Mãi hơn 2 năm sau, khi lệnh giãn cách chấm dứt tháng 3-2022 tôi được bay về Việt Nam và gửi anh bản thảo hoàn chỉnh.

Vì bối cảnh của tiểu thuyết “Ước hẹn cuối cùng” ở thành phố Milano và câu chuyện liên quan đến văn hóa phong tục, môi trường và luật pháp ở Ý nên tôi muốn in tác phẩm bằng tiếng Ý trước khi in bản tiếng Việt. Còn có một lý do khác là sau khi viết và dịch hơn 10 tác phẩm ở Việt Nam mà tác phẩm nào cũng đều có chút dư luận nên tôi cũng muốn “thử sức” ở Âu Châu xem sao.

Nhờ sự hiệu đính và chỉnh sửa của Elena tôi đã dịch toàn bộ tác phẩm sang tiếng Ý với tựa là Ultima Promessa. Cuối năm 2023 chúng tôi bay về Ý và đưa bản thảo cho vài người quen đọc thử. Marco Adami, một giáo sư đang giảng dạy ở viện đại học Milano cho biết anh đã đọc say mê và nhận định: “Không chỉ là câu chuyện về tình yêu sâu sắc của hai nhân vật, cuốn sách còn đề cập đến tình bạn và những chủ đề quan trọng trong xã hội, đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh về cái chết êm dịu, phân tích đến các khía cạnh đạo đức, triết học và tôn giáo, nhấn mạnh sự thiếu quy định về luật pháp ở Ý dù đã được thảo luận trong nhiều thập kỷ. Một cuốn sách giúp chúng ta hiểu được sự khác biệt sâu sắc giữa sống và tồn tại!”. Còn chị bạn Franca đọc xong rất thích nên liền chuyển cho người bạn là giáo sư Giuseppe Deiana dạy triết học ở Milano. Ông cũng là tác giả của năm, sáu đầu sách, mà quan trọng hơn hết là tiểu luận “La Morte Buona. E’ Possibile L’eutanasia Cristiana?” (Cái chết ngọt ngào. Có thể có một sự trợ tử trong đạo Chúa?) là một chủ đề chính trong tiểu thuyết “Ước hẹn cuối cùng”. Lời nhận xét của ông: “Một quyển sách hay và giá trị. Nếu là nhà xuất bản tôi sẽ in ngay” đã làm tôi tự tin nên liền tìm cách xuất bản ở Ý.

Không quen biết ai trong giới và hoàn toàn mù tịt về việc xuất bản ở Ý, tôi lên mạng tìm hiểu. Quả đúng là một mê hồn trận và các thông tin rối rắm và đôi khi trái chiều. Thế nhưng, có thể cũng nhờ một chút may mắn, chúng tôi liên lạc với nhà xuất bản Etabeta-PS và trong thời gian kỷ lục, chỉ trong vòng 2 tháng quyển tiểu thuyết “Ultima Promessa” đã được in. Thời gian cũng vừa kịp để chúng tôi có thể cầm được vài bản in mang về Việt Nam vào đầu tháng 12-2023.

Một bất ngờ khác nữa là sau khi đọc trọn bản thảo “Ước hẹn cuối cùng” nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên đã cảm xúc và còn viết nên ca khúc khác là “Mối tình thiên thu”. Khác với “Khúc tình buồn”, “Mối tình thiên thu” hoàn toàn do anh sáng tác, cả nhạc và lời. Tôi thực sự cảm động và biết ơn anh nhưng anh chỉ khiêm tốn nói: Câu chuyện trong tiểu thuyết cũng khá giống tâm sự cuả tôi nên tôi đã viết bằng cảm xúc.

Đó không phải là sự đồng cảm tuyệt vời, và cũng là một sắp xếp khác của định mệnh hay sao?

Đầu tháng 2-2024 nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên cho công bố nhạc phẩm “MỐI TÌNH THIÊN THU” này qua tiếng hát của ca sĩ Thảo Quyên và được nhiều người nghe và chia sẻ.

Nhà văn Trương Văn Dân

Đăng lại từ Facebook Nhà văn Trương Văn Dân
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

Xem thêm: