Chùa Báo Quốc là ngôi chùa nổi tiếng xứ Huế. Khách thập phương đến đây dâng hương đều không quên ghé giếng Hàm Long, đây là giếng nước nổi tiếng gắn liền với chiều dài lịch sử Kinh thành Huế.

Theo dân gian tương truyền, năm 1558 khi chúa Nguyễn Hoàng mang theo gia quyến cùng binh tướng thân tín đến trấn thủ Thuận Hóa, vùng đất này rất hoang sơ, đội quân của Chúa mới đến đây không ngủ yên vì mưa to gió lớn nổi lên liên tục. Chúa liền cho tìm người giỏi phong thủy đến xem vùng đất này thế nào, liệu có thuận lợi cho việc đóng đô lập cơ nghiệp lâu dài hay không.

Sau này, thầy phong thủy từ phương xa đến, nói rằng dãy núi nơi đây rất thiêng, có long mạch thần bí hơn so với chỗ khác, biến hóa khôn lường, muôn hình vạn trạng, lúc to lúc nhỏ, lúc nhô cao lúc xuống thấp, lúc nghịch lúc thuận, lúc ẩn lúc hiện. Nơi đây hội tụ sinh khí thịnh vượng không đâu có được. Việc Chúa đưa quân đến đóng nơi đây khiến long mạch bị động gây ra mưa to gió lớn.

Chúa liền hỏi làm sao để nơi đây được yên, thầy phong thủy liền đáp rằng cần phải tìm được cao nhân mới có thể chế ngự. Sau quả có người chế ngự được long mạch, từ đó khu vực này mưa thuận gió hòa. Ngọn núi nơi này vì vậy được gọi là Bình An sơn, tên gọi còn đến tận ngày nay. Vị thầy chế ngự được long mạch nói rằng ông đã cho đào một giếng nước trong dãy núi.

Đến năm 1674 thời chúa Nguyễn Phúc Tần, thiền sư Giác Phong đến núi Bình An tìm chỗ xây thảo am thì tìm thấy một giếng nước dưới chân núi. Người ta cho rằng đây chính là giếng nước mà thầy phong thủy xưa kia dùng để chế ngự long mạch.

Thiền sư Giác Phong liền cho xây thảo am ở gần giếng này, đồng thời tu sửa giếng, lập tức các mạch nước mát lạnh và ngọt lành phun lên liên tục. Từ đó giếng nước được gọi là giếng Hàm Long.

Tiếng lành đồn xa, người dân đến gánh nước về dùng ngày càng nhiều. Dân chúng tiện đường cũng ghé thảo am, nên am này được xây rộng lớn hơn thành chùa, gọi là Hàm Long Thiên Thọ Tự (gọi tắt là chùa Hàm Long).

Năm 1747, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho xây mở rộng hơn ngôi chùa này, gọi là chùa Báo Quốc. Đến thời nhà Tây Sơn, thấy nhiều người ở Đàng Trong tín ngưỡng theo Phật, nhà Tây Sơn bèn hạn chế, cho phá dỡ phần nhiều chùa. Chùa Báo Quốc trở thành nơi chứa diêm tiêu.

gieng ham long
Giếng Hàm Long. (Ảnh:Visithue.vn)

Mặc dù vậy danh tiếng nước giếng Hàm Long vẫn vang xa, dân chúng đến lấy nước ngày càng nhiều, nhiều người ở tận Thủy Phương, Thủy Biều cũng đến đây lấy nước.

Vì nước ở giếng Hàm Long rất mát lại ngọt, nên đến thời vua Gia Long, nước ở đây được dùng để tiến vua pha trà và nấu chè sen, dân chúng không còn được phép lấy nước như trước nữa.

Cuốn “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép lại: “Buổi đầu khai quốc, các quan triều đình thường lấy nước giếng này để vua dùng nên lại có tên là giếng cấm”. Dân chúng thì lưu truyền câu ca dao:

Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm,
Diêm tiêu nào ngăn được nước trong.

Vua Gia Long cũng cho xây dựng đàn Nam Giao vào năm 1806, vị trí xây dựng rất gần với giếng Hàm Long.

cong tam quan
Cổng tam quan, lối dẫn vào chùa Báo Quốc. (Ảnh: Visithue.vn)

Năm 1808, Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu (mẹ vua Gia Long) cho tái thiết lại chùa, xây thêm tam quan, đổi tên thành Hàm Long Thiên Thọ tự, cho đúc quả đại hồng chung và thiền sư Phổ Tịnh được mời về làm trụ trì. Năm 1824, vua Minh Mạng đến nơi đây và đặt lại tên là chùa Báo Quốc.

Ngày nay chùa Báo Quốc vẫn nằm ở đồi Hàm Long, cách đấy không xa là đàn Nam Giao quanh năm hương khói. Du khách đến nơi đây không quên ghé thăm giếng Hàm Long – giếng linh thiêng nhất ở Huế, gắn liền với lịch sử Đàng Trong từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng thuở xa xưa.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: