Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư (19/6) và Lãnh đạo Tối cao Triều Tiên Kim Jong-un đã ký “hiệp định đối tác chiến lược toàn diện” Nga-Triều, trong đó có bao gồm cam kết phòng thủ chung, một động thái đáng kể nhất của Nga tại châu Á trong nhiều năm qua. Ông Kim gọi hiệp định phòng thủ chung này tương đương như ký kết “đồng minh”.

Putin Kim Jong un tai Trieu Tien
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay Lãnh đạo Tối cao Triều Tiên Kim Jong-un sau lễ ký kết của hai vị nguyên thủ Nga-Triều tại một dinh thự thuộc khuôn viên Cung điện Kumsusan, Thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên hôm 19 tháng 6 năm 2024. (Nguồn: KRISTINA KORMILITSYNA/POOL/AFP via Getty Images)

Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng đầu tiên kể từ năm 2000, Tổng thống Nga Putin đã được tiếp đón trọng thị và đã thảo luận về nhiều vấn đề với Lãnh đạo Kim Jong-un.

Sau các cuộc hội đàm của các phái đoàn song phương, cũng như đối thoại một-một giữa hai vị nguyên thủ Nga-Triều, ông Putin và ông Kim đã ký kết hiệp định “đối tác chiến lược toàn diện” Nga-Triều. Tổng thống Putin nói rằng hiệp định này có bao gồm điều khoản phòng thủ chung trong trường hợp một trong hai bên tham gia ký kết bị tấn công xâm lược.

Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện Nga-Triều sẽ là kim chỉ nam cho hợp tác tương lai hai nước trong tất cả các lĩnh vực, từ các mối quan hệ văn hóa và du lịch tới các mối quan hệ thương mại, kinh tế và an ninh, theo lời tổng thống Putin. Lãnh đạo Nga cũng gọi hiệp định này là “bước đột phá thực sự”.

Hiệp định đối tác chiến lược được ký hôm nay cùng với những thứ khác mang lại sự hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai bên ký kết bị tấn công xâm lược”, Tổng thống Putin cho biết.

Ông Putin nói rằng Moscow ủng hộ mục đích của Triều Tiên trong việc bảo vệ an ninh và chủ quyền của họ trước sự xâm lược tiềm tàng từ phương Tây và đó là quyền chính đáng của Bình Nhưỡng. Nga cũng nhìn nhận Mỹ và các đồng minh của Mỹ phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Giọng điệu tuyên truyền mà phương Tây quá lạm dụng có thể không còn che giấu được mục đích địa chính trị hung hăng của họ nữa, bao gồm cả ở khu vực Đông Bắc Á”, ông Putin nói.

Ông Putin nói việc phương Tây chuyển vũ khí tiên tiến, tầm xa, gồm cả các chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine để tấn công vào Nga đã vi phạm nhiều thỏa thuận lớn.

Kết nối với điều đó, Nga không loại trừ việc phát triển hợp tác quân sự-kỹ thuật với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên [DPRK]”, ông Putin nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tối cao Triều Tiên Kim Jong-un đã ca ngợi Nga đang làm những điều mà ông gọi là động thái chiến lược có ý nghĩa vô cùng to lớn để ủng hộ Triều Tiên.

Hiệp định phòng thủ chung Nga-Triều chưa được công bố nội dung chi tiết, nhưng khả năng cao nó có thể là một bước chuyển kịch tính trong cân bằng chiến lược tại Đông Bắc Á khi Nga đứng sau Triều Tiên trong cuộc đối đầu với Hàn Quốc có sự hậu thuẫn của Mỹ.

Mặc dù Triều Tiên đã ký hiệp định phòng thủ với Trung Quốc, nhưng Bình Nhưỡng không có hợp tác quân sự thực chất với Bắc Kinh như họ đã đang phát triển với Moscow trong năm qua. Triều Tiên vào năm 1961 cũng đã ký hiệp định với Liên Xô, trong đó có bao gồm những hứa hẹn về hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị tấn công.

Trung Quốc, đồng minh kinh tế và chính trị chính của Triều Tiên, chưa trả lời khi được truyền thông quốc tế liên hệ yêu cầu bình luận về những diễn biến mới nhất trong quan hệ Nga-Triều.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng: “Hợp tác sâu sắc giữa Nga và DPRK là một khuynh hướng nên là mối quan ngại cho bất kỳ bên nào quan tâm đến duy trì hòa bình và ổn định tại Bán đảo Triều Tiên, gìn giữ cơ chế không phổ biến toàn cầu, tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và ủng hộ người dân Ukraine”.

Hải Đăng (T/h)