Trong vụ tấn công mới nhất hôm 17/6 của tàu hải cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào tàu tiếp tế Philippines cho quân nhân nước này đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây – Việt Nam (Second Thomas Shoal), Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines là Romeo Brawner Jr. chỉ trích Trung Quốc về hành động  quấy rối “bất chấp hậu quả và mang tính xâm lược”, yêu cầu Trung Quốc bồi thường và trả lại súng…

Philippines
Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Brawner đã trao Huân chương Người thương tật cho quân nhân Hải quân Philippines bị mất ngón tay trong vụ việc đụng độ với hải quân ĐCSTQ. (Ảnh: MXH)

Ông Brawner cho biết trong một tuyên bố vào tối thứ Ba (18/6) rằng, Cảnh sát biển ĐCSTQ “không có thẩm quyền hoặc thẩm quyền pháp lý để can thiệp vào các hoạt động hợp pháp của chúng tôi hoặc gây thiệt hại tài sản của chúng tôi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi… Hành vi liều lĩnh và hung hăng này đã gây tổn hại về thể chất, vi phạm trắng trợn luật hàng hải quốc tế và xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Philippines”.

Trước đó, Lực lượng vũ trang Philippines cáo buộc Cảnh sát biển Trung Quốc cố tình đâm vào một tàu Philippines đang tham gia nhiệm vụ luân phiên và tiếp tế, khiến một nhân viên Hải quân Philippines bị thương nặng. Tuy nhiên, Philippines không cung cấp thêm thông tin chi tiết về thương tích và thiệt hại của tàu. Ông Brawner cho biết: “Lực lượng vũ trang Philippines lên án mạnh mẽ những hành động này, không chỉ vi phạm quyền và lợi ích hàng hải của chúng tôi mà còn gây ra rủi ro đáng kể cho sự ổn định trong khu vực”.

Các báo cáo trước đó dẫn nguồn tin giấu tên cho hay, Cảnh sát biển ĐCSTQ đã lên tàu và đâm thủng thuyền bơm hơi cứng của Hải quân Philippines, làm hư hại tàu và tịch thu một số vật dụng trên tàu, trong vụ đụng độ này có ít nhất 8 quân nhân Philippines bị thương và một người bị mất một ngón tay.

Lực lượng vũ trang Philippines vẫn chưa bình luận hay xác nhận cáo buộc này. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines là Gilberto Teodoro Jr. đáp lại rằng những hành động nguy hiểm và liều lĩnh của ĐCSTQ ở Biển Tây Philippines “sẽ bị Lực lượng vũ trang Philippines chống lại”.

Bloomberg đưa tin, giới chức quân sự cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển ĐCSTQ đã cướp súng và phá hủy tàu Philippines trong đụng độ ở Biển Đông này, khiến Manila yêu cầu Trung Quốc bồi thường. “Họ không có quyền hoặc thẩm quyền hợp pháp để hành động cướp phá như vậy đối với chúng tôi, phá hủy tàu Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”, Brawner nói về hành vi của phía Trung Quốc trong cuộc họp giao ban hôm thứ Tư.

Chỉ huy Alfonso Torres Jr. của Bộ Tư lệnh Quân khu miền Tây của Lực lượng vũ trang Philippines, cho biết hôm thứ Hai khi Manila đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho tiền đồn quân sự tại Second Thomas, nhân viên Cảnh sát biển Trung Quốc đã lên tàu bơm hơi cứng của Philippines một cách “trái phép”, sau đó họ đã tước đoạt súng được tìm thấy trên tàu Philippines.

“Súng đã bị lấy đi”, Torres nói.

Ông nói thêm rằng thủy thủ đoàn Trung Quốc cũng “cố tình đâm thủng” chiếc thuyền bơm hơi cứng của Philippines bằng dao và các vật sắc nhọn khác.

Trong bối cảnh Philippines và các nước lên án những hành động mới nhất của ĐCSTQ, thông tin chi tiết về cuộc chạm trán hôm thứ Hai nổi lên này là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất giữa hai nước trên tuyến đường thủy giàu tài nguyên đang tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Philippines hôm thứ Tư đã lên án “các hành động bất hợp pháp và hung hăng” của ĐCSTQ gần bãi Second Thomas [bãi Cỏ Mây – Việt Nam]. Bộ Ngoại giao Philippines trong một tuyên bố đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về vụ việc. Trước vụ việc đụng độ này, Bộ Ngoại giao Philippines đã than thở rằng Philippines đang nỗ lực “xây dựng lại môi trường thuận lợi cho đối thoại và tham vấn” với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Mục tiêu này không thể đạt được nếu lời nói và hành động của ĐCSTQ về vấn đề Biển Đông không nhất quán. Chúng tôi mong muốn Trung Quốc có những hành động chân thành và có trách nhiệm, tránh những hành động gây nguy hiểm cho sự an toàn của nhân sự và tàu thuyền”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cũng một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016. Tuyên bố cũng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines đối với vùng biển của nước này.

Được biết, Bộ Ngoại giao Philippines chưa cung cấp thông tin chi tiết về các hành động cụ thể mà họ sẽ thực hiện đối với vụ việc mới nhất. Chỉ riêng trong năm nay, Philippines đã đệ trình ít nhất 30 công hàm liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Lâm Kiếm (Lin Jian) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khi trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư rằng, “Việc Philippines nhất quyết xâm chiếm bãi Nhân Ái thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc [bãi Cỏ Mây – quần đảo Trường Sa của Việt Nam] bất chấp sự can ngăn của Trung Quốc là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc này. Hiện trường thực thi pháp luật của Cảnh sát biển Trung Quốc được thực hiện rất chuyên nghiệp và có tính kiềm chế, nhằm ngăn chặn các tàu Philippines vận chuyển trái phép hàng hóa. Không có biện pháp trực tiếp nào được thực hiện đối với nhân viên Philippines. Philippines đã nhiều lần tuyên bố rằng hàng hóa tiếp tế này là hàng hóa cho sinh hoạt hàng ngày, nhưng trên thực tế là vật liệu xây dựng và vũ khí đạn dược, ý đồ chiếm bãi Nhân Ái lâu dài. Trung Quốc kêu gọi Philippines chấm dứt ngay các hành động xâm phạm và khiêu khích bằng vũ khí và đạn dược nhằm chiếm giữ lâu dài bãi Nhân Ái [bãi Cỏ Mây – Việt Nam]”.