Trong trường hợp phía Ukraine từ chối đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev, thì tình hình sẽ trở nên “tệ hơn”.

đề xuất
Ông Medvedev. (Ảnh: Max kolomychenko/Shutterstock)

Phát biểu với các quan chức cấp cao ở Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/6, Tổng thống Putin đã đưa ra những điều kiện cho một kế hoạch hoà bình với Ukraine.

Theo đó, Liên bang Nga sẽ ngừng bắn và tham gia đàm phán hòa bình nếu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và rút lực lượng khỏi 4 khu vực của Ukraine mà Moscow đã tuyên bố chủ quyền.

Bốn khu vực này bao gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia, đã được sáp nhập vào Nga năm 2022 sau khi kết quả trưng cầu dân ý ở những nơi này cho thấy đa số cử tri đồng ý sáp nhập.

Ngay trong ngày 14/6, trả lời kênh truyền hình Sky TG24 khi đang tới miền Nam Italy tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ đề xuất của ông Putin, cho rằng những điều kiện mà nhà lãnh đạo Nga đưa ra là những lời tối hậu thư và chúng không khác gì những tối hậu thư trước đó cả.

Về phần mình, tại Hội nghị hòa bình cho Ukraine diễn ra ở Thụy Sĩ hôm 16/6, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba thừa nhận Kyiv muốn Moscow ngồi vào bàn đàm phán khi Ukraine ở vị thế thương lượng mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev lại cho rằng Ukraine đang mắc sai lầm lớn khi từ chối xem xét đề nghị mở các cuộc đàm phán hòa bình của Moscow vì vị thế đàm phán của nước này sẽ chỉ xấu đi cùng với thời gian.

Đài RT cho biết khi phát biểu với các phóng viên hôm 18/6, theo giờ địa phương, ông Medvedev, hiện giữ chức phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, nói rằng Ukraine đang “đưa cuộc thảo luận trở lại điểm xuất phát” bằng cách bác bỏ các sáng kiến ​​hòa bình. “Họ không nên làm điều đó. Nó sẽ trở nên tồi tệ hơn”, cựu Tổng thống Nga cảnh báo.

Tuy nhiên, ông Medvedev cho rằng Kyiv vẫn còn thời gian để chấp nhận lời đề nghị nhưng cánh cửa cơ hội này sẽ không kéo dài.

Phan Anh

Video: Nguồn gốc của cách nói “nam tả nữ hữu”