Nhật Bản đã công bố các hạn chế thương mại đối với các công ty ở Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan và Uzbekistan vì những công ty trên bị cáo buộc hỗ trợ cuộc chiến Nga – Ukraine.

Kishida Fumio
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong chuyến thăm Manila ngày 04/11/2023, khi căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và quốc gia Đông Nam Á về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)

Các lệnh trừng phạt do Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố vào thứ Sáu (21/6) đánh dấu lần đầu tiên Tokyo nhắm mục tiêu vào các công ty có trụ sở tại Trung Quốc vì cáo buộc họ có liên quan đến cuộc chiến.

Theo các biện pháp này, các công ty Nhật Bản bị cấm xuất khẩu hàng hóa cho các công ty bị trừng phạt, bao gồm Asia Pacific Links Ltd có trụ sở tại Hồng Kông và Yilufa Electronics Limited có trụ sở tại Thâm Quyến.

Các lệnh trừng phạt mới nhất được đưa ra sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng Năm công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào những công ty và cá nhân bị cáo buộc cung cấp vũ khí Triều Tiên cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

Dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tokyo đã áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Moscow so với bất kỳ chính phủ nào khác ở châu Á, hầu hết các chính phủ châu Á đều từ chối đứng về phe nào trong cuộc chiến.

Trong hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023 tại Hiroshima, ông Kishida đã cam kết “đoàn kết không lay chuyển” với Ukraine đồng thời lên án các chính phủ sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng.

Tuần trước, Hoa Kỳ đã triển khai lệnh trừng phạt nhắm vào hơn 300 cá nhân và công ty bị cáo buộc hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga, bao gồm các thực thể ở Trung Quốc, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết các biện pháp này sẽ làm giảm “khả năng hưởng lợi của Nga từ việc tiếp cận công nghệ, thiết bị, phần mềm và dịch vụ CNTT nước ngoài”.

Thanh Tâm, theo Aljazeera