Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương hôm thứ Bảy (22/6) cho biết tình hình ở Biển Đông rất đáng lo ngại, các hành động gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại tuyến đường thủy tranh chấp đã “phá hoại nghiêm trọng sự ổn định”.

daniel kritenbrink
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink. (Ảnh chụp màn hình video)

Theo Reuters, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink đã đưa ra nhận định trên trong chuyến thăm Hà Nội. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng leo thang ở Biển Đông và Việt Nam cũng là một trong các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Daniel Kritenbrink nói với một số phương tiện truyền thông trong cuộc họp báo: “Chúng tôi tin rằng các hành động của Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là các hành động gần đây đối với Philippines xung quanh Bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây – Việt Nam), là vô trách nhiệm, hung hăng và nguy hiểm, đồng thời làm phá hoại nghiêm trọng sự ổn định.”

Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh Philippines của mình.” Ông cũng nói rằng Chính phủ Mỹ đã nói rõ với Bắc Kinh cả công khai lẫn riêng tư rằng các nghĩa vụ giữa Mỹ và Philippines theo “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines”“chắc chắn”.

Hôm thứ Sáu (21/6), Philippines cáo buộc ĐCSTQ hung hăng can thiệp vào sứ mệnh tiếp tế của nước này tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hồi đầu tháng. Các quan chức Philippines cho biết họ sẽ không xem xét việc viện dẫn “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines”.

Hôm thứ Hai (17/6), Philippines một lần nữa đụng độ với lực lượng Cảnh sát biển của ĐCSTQ khi đang vận chuyển hàng tiếp tế cho quân đội nước này đóng tại Bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây – Việt Nam). Quân đội Philippines cho biết hành động của phía Trung Quốc đã khiến một thủy thủ Hải quân Philippines bị thương nặng và tàu bị hư hại. Bộ Ngoại giao Philippines lên án hành động của ĐCSTQ là “sự xâm lược bất hợp pháp”.

ĐCSTQ bác bỏ tuyên bố của Philippines, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ hôm thứ Năm (20/6) cho biết, các biện pháp “cần thiết” mà phía Trung Quốc thực hiện là “chính đáng”.

Ông Daniel Kritenbrink nói: “Chúng tôi tin rằng mọi quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, cần tôn trọng luật pháp quốc tế và cần hành xử có trách nhiệm trong lĩnh vực hàng hải”.

Biển Đông là tuyến đường vận chuyển thương mại hàng hải trị giá hơn 3000 tỷ USD hàng năm. ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các phần được Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền.

Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực ở The Hague cho biết yêu sách của ĐCSTQ không có cơ sở pháp lý, nhưng Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết.

Việc ông Daniel Kritenbrink đến Hà Nội hôm thứ Sáu diễn ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam và vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Mỹ. Ông Putin cũng đến thăm Triều Tiên, nước bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga để hỗ trợ cuộc chiến tiếp tục ở Ukraine.

Khi được hỏi quan điểm của ông về chính sách đối ngoại của Việt Nam và việc Việt Nam tiếp đón ông Putin, ông Daniel Kritenbrink nói: “Chỉ có Việt Nam mới có thể quyết định cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy lợi ích của mình”.

Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden vào tháng Chín năm ngoái, Việt Nam và Mỹ đã chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, cấp độ ngoại giao cao nhất tại Việt Nam.

Ông nói rằng việc nâng cấp quan hệ Mỹ – Việt là một “sự kiện có ý nghĩa lịch sử”, ông hy vọng sẽ duy trì động lực để đảm bảo rằng tất cả các thỏa thuận đạt được đều có thể được thực hiện.

“Chúng tôi tiếp tục tin tưởng rằng mối quan hệ đối tác Mỹ – Việt Nam chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế,” ông Daniel Kritenbrink nói.