Các cường quốc phương Tây về cơ bản đã khiêu khích Nga phát động chiến dịch quân sự chống lại Ukraine bằng cách không từ bỏ các kế hoạch mở rộng NATO và EU, ông Nigel Farage, lãnh đạo đảng Reform UK (Đảng Độc lập Anh) cho biết.

Nigel Farage
Lãnh đạo Reform UK(Đảng Độc lập Anh) Nigel Farage. (Ảnh: Leon Neal/Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC vào thứ Bảy (22/6), ông Farage, người được biết đến với vai trò nổi bật trong chiến dịch Brexit và quan điểm chống nhập cư, cho biết rằng ông đã cảnh báo về một cuộc chiến tranh tiềm tàng ở Ukraine ngay từ năm 2014, sau cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev.

“Với tôi, rõ ràng là sự mở rộng về phía đông của NATO và Liên minh châu Âu đã tạo cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một lý do… để nói rằng ‘họ lại nhắm đến chúng ta’ và tiến hành chiến tranh,” ông nói.

Khi tuyên bố rằng “lỗi” của ông Putin là đưa quân Nga vào Ukraine, ông Farage vẫn khẳng định rằng “chúng ta đã kích động cuộc chiến này”.

Những bình luận của ông Farage đã gây phẫn nộ từ các quan chức Anh. Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly tuyên bố rằng nhà lãnh đạo đảng Reform UK đang “lặp lại lời biện minh của ông Putin cho cuộc xâm lược tàn bạo vào Ukraine”.

Vào tháng 9 năm 2014, khi các trận chiến ác liệt đang diễn ra ở Donbass, ông Farage đã lên án “hành động khiêu khích không cần thiết” của phương Tây đối với Moscow, lập luận rằng nó bắt nguồn từ tham vọng thôn tính Ukraine của NATO và EU. “Bài học rút ra là, nếu bạn chọc con gấu Nga bằng một cây gậy, đừng ngạc nhiên khi nó phản ứng”, ông Farage nói vào thời điểm đó.

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 – ngày Nga đưa quân vào Ukraine – ông Farage thừa nhận rằng ông Putin “đã đi xa hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ”, đồng thời nhấn mạnh rằng “việc chọc con gấu Nga bằng một cây gậy là vô nghĩa”.

Trong nhiều năm, Nga đã lên tiếng lo ngại về việc NATO mở rộng về phía biên giới của Nga, coi đó là mối đe dọa hiện hữu. Các thành viên của NATO đã nhất trí vào năm 2008 rằng Ukraine sẽ gia nhập, nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể. Ukraine chính thức tuyên bố tư cách thành viên NATO là mục tiêu chiến lược vào năm 2019. Năm 2022, Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập khối.

Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng vị thế trung lập của Ukraine là một trong những mục tiêu chính của chiến dịch quân sự của Nga. Các cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul vào mùa xuân năm 2022, được cho là đã bị Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông Boris Johnson làm chệch hướng – ông đã khuyên Ukraine tiếp tục chiến đấu. 

Thanh Tâm, theo RT