Trong bối cảnh bầu cử tổng thống Đài Loan vào giai đoạn chạy nước rút, bắt đầu từ ngày 21 – 24/11 phải chính thức đăng ký các ứng viên cho chức tổng thống và phó tổng thống để chạy đua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường quấy rối quân sự và đe dọa nền dân chủ và tự trị của Đài Loan.

Dai Loan
Trực thăng quân sự của Trung Quốc bay qua đảo Bình Đàm, một trong những điểm gần Đài Loan nhất của Trung Quốc Đại lục, ở tỉnh Phúc Kiến vào ngày 4/8/2022, trước cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ngoài khơi Đài Loan sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo tự trị này. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 22/11 cho biết, kể từ 1:00 chiều hôm đó đã liên tiếp phát hiện các máy bay của ĐCSTQ bay trên vùng biển, gồm J-10, J-16, Y-9, H-6 và Cảnh sát Không quân 500, trong đó có 11 chiếc vượt qua tuyến trung tâm của eo biển để vào miền trung và không phận phía tây nam Đài Loan, hoạt động còn có tàu phối hợp tuần tra chung.

  • Trang Mạng xã hội X Bộ Quốc phòng Đài Loan:

Trước tình hình này, quân đội Đài Loan đã phối hợp các bên bám sát chặt chẽ gồm tình báo, giám sát và trinh sát; điều động máy bay, tàu và tên lửa trên đất liền để sẵn sàng đáp trả.

Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Quốc phòng Đài Loan, từ 6:00 sáng thứ Ba đến 6:00 sáng thứ Tư (22/11), có tổng cộng 12 máy bay quân sự và 5 tàu của ĐCSTQ đã được phát hiện hoạt động quanh eo biển Đài Loan.

Bản đồ dấu vết do Không quân Đài Loan công bố cho thấy, một phi vụ của trực thăng chống ngầm Z-9 đã xâm nhập vào không phận phía đông, hai phi vụ của máy bay cảnh báo sớm Cảnh sát Không quân 500, và một phi vụ của máy bay trinh sát điện tử Y-8 xâm nhập vào không phận tây nam, trong đó Y-8 tiến sâu hơn vào không phận đông nam Đài Loan.

Tờ Taiwan News tiếng Anh của Đài Loan đưa tin, kể từ tháng 9/2020, Trung Quốc ngày càng áp dụng cái mà cộng đồng quốc tế gọi là “chiến thuật vùng xám” (gray zone tactics), theo đó liên tục điều động máy bay và tàu quân sự qua tuyến trung tâm của eo biển và tiến vào Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Mục đích quấy rối là làm Đài Loan cạn kiệt ý chí kháng cự, qua đó có thể khuất phục Đài Loan mà không cần phải sử dụng vũ lực trực tiếp trên quy mô lớn.

Có phân tích cho rằng những mối đe dọa trên không và trên biển này là sự bổ sung cho “các cuộc tập trận đổ bộ, tuần tra hải quân, tấn công mạng và các chính sách cô lập ngoại giao” của ĐCSTQ đối với Đài Loan.

Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi khi tại nhiệm đến thăm Đài Loan vào đầu tháng 8/2022 thì ĐCSTQ đã tăng cường đe dọa Đài Loan, tiến hành các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật phong tỏa quy mô lớn đối với Đài Loan, đồng thời điều động thêm máy bay và tàu quân sự để đe dọa quấy rối.

Bầu cử Đài Loan: Ứng viên Lại Thanh Đức chiếm ưu thế lớn

Ngày 13/1 năm sau, Đài Loan sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới, hiện có 4 nhóm ứng viên từ các đảng phái hoặc nhóm chính trị khác nhau tranh tài, bao gồm: ứng viên tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) của Đảng Tiến bộ Dân chủ cầm quyền, Kha Văn Triết (Ke Wenzhe) của Đảng Nhân dân, Hầu Hữu Nghi (Hou Youyi) của Quốc dân đảng, và ứng viên độc lập Quách Đài Minh (Terry Gou) – người sáng lập Hon Hai và Foxconn.

Tổng thống Thái Anh Văn đương nhiệm đã nắm quyền hai nhiệm kỳ, không thể tham gia cuộc bầu cử này.

Nhiều cuộc thăm dò ở Đài Loan cho thấy, ủng hộ của công chúng đối với ông Lại Thanh Đức cao hơn nhiều so với các ứng viên khác, đứng thứ hai thường là Kha Văn Triết, tiếp theo là Hầu Hữu Nghi và Quách Đài Minh.

Các nhà phân tích cho rằng trừ khi có ứng viên đại diện cho vài nhóm, hoặc ít nhất là Đảng Nhân dân và Quốc dân đảng liên kết nhau vào một nhóm ứng viên, nếu không ông Lại Thanh Đức sẽ đắc cử.

Ông Lại Thanh Đức và cấp phó Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim – người vừa từ chức đại diện Đài Loan tại Mỹ) dẫn đầu hoàn tất việc đăng ký ứng viên vào ngày 21/11 tại Ủy ban bầu cử trung ương. Bà Tiêu Mỹ Cầm đã nhiều năm tham gia Ủy ban Lập pháp, có kinh nghiệm trong các cuộc bầu cử khó khăn.

Về vấn đề liên kết vào một nhóm ứng viên của hai đảng đối lập lớn là Quốc dân đảng và Đảng Nhân dân, do những cân nhắc chính trị và lợi ích khác nhau nên tình hình đàm phán vẫn bế tắc.

Thứ Tư tuần trước (15/11) hai bên đã tổ chức đàm phán với sự có mặt của cựu chủ tịch Quốc dân đảng Mã Anh Cửu, đạt được thỏa thuận về phương pháp xác định ứng viên chính và phó bằng cách thăm dò dư luận. Theo đó dưới sự đồng chủ trì của các chuyên gia bỏ phiếu do nhau giới thiệu, hai đảng ngay lập tức tiến hành liên tiếp 9 cuộc thăm dò nhưng vẫn không thể xác định được giữa hai đảng thì bên nào là ứng viên Tổng thống chính và bên nào là ứng viên phó, nguyên nhân do cách xác định khác nhau về tỷ lệ sai số trong kết quả thăm dò.

Hiện tại chưa bên nào tuyên bố “hợp tác trắng và xanh” đã tan vỡ, nhưng vấn đề là hạn chót ngày 24/11 phải đăng ký với Ủy ban Bầu cử Trung ương Đài Loan các ứng viên chính và phó tham gia cuộc tổng tuyển cử năm sau.