Hôm thứ Năm (4/4) Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đề xuất, Đức cần phải áp dụng lại chế độ quân dịch, khi ông công bố kế hoạch cải cách quân đội đầy tham vọng nhằm làm cho lực lượng vũ trang quốc gia thích ứng với một cuộc xung đột tiềm năng. Berlin đã bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân vụ vào năm 2011, kể từ đó quân đội nước này đã rơi vào tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Phát biểu với các nhà báo tại Berlin, khi nói về cơ cấu mới của lực lượng vũ trang quốc gia, Bộ trưởng Pistorius lưu ý: “Chúng tôi đã cân nhắc việc áp dụng lại chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc.” Ông cho biết thêm, kế hoạch cụ thể liên quan đến các mô hình quân dịch tiềm năng sẽ được trình bày trong tháng Tư này.

Chế độ quân dịch ở Đức đã bị đình chỉ theo các sửa đổi của Đạo luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc được các nhà lập pháp thông qua vào năm 2011. Việc áp dụng lại chế độ quân dịch sẽ cần có sự chấp thuận của Quốc hội Đức. Bộ trưởng Pistorius không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về bất kỳ mô hình quân dịch tiềm năng nào. Nhưng một số hãng truyền thông Đức đưa tin rằng các mô hình này có thể dựa trên những mô hình đã được các quốc gia như Thụy Điển sử dụng.

Ở Thụy Điển, chỉ một phần nhỏ thanh niên trong độ tuổi quân sự được gọi nhập ngũ hàng năm, nhưng những người trốn tránh nghĩa vụ quân sự sẽ phải đối mặt với án tù. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông, kế hoạch của bộ trưởng quốc phòng Đức đã vấp phải sự hoài nghi của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và sự phản đối của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner.

Bộ trưởng Pistorius giải thích, việc áp dụng lại chế độ quân dịch do ông đề xuất là một phần trong kế hoạch cải cách quan trọng dự kiến sẽ được thực hiện trong những tháng tới. Cơ cấu tổ chức mới được thiết kế để làm cho quân đội Đức nhanh nhẹn hơn và hiệu quả hơn, và nhìn chung “được bố trí tối ưu … trong trường hợp khẩn cấp, trong trường hợp phòng thủ, trong trường hợp chiến tranh.

Bộ trưởng Pistorius lưu ý, quân đội nên trở thành một lực lượng răn đe đáng tin cậy để ngăn chặn bất kỳ ai nghĩ đến “việc tấn công chúng tôi, một lãnh thổ của NATO.” Ông cho biết thêm rằng các quyết định quan trọng nhất “sẽ được thực hiện trong vài tháng tới.”

Quân đội Đức đã và đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân lực và khí tài trầm trọng trong nhiều năm qua. Hồi giữa tháng Ba, trong báo cáo hàng năm của mình, bà Eva Hoegl, ủy viên Nghị viện Đức về các lực lượng vũ trang, đã tiết lộ rằng số lượng quân nhân đã giảm thêm nữa vào năm ngoái, và tỷ lệ rời bỏ quân ngũ “vẫn rất cao,” trong khi số lượng đơn đăng ký nhập ngũ mới ngày càng giảm.

Một cuộc khảo sát được thực hiện cùng thời điểm đó cho thấy, chỉ 10% người Đức bày tỏ sự tin tưởng rằng các lực lượng vũ trang Đức có thể bảo đất nước trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu việc khôi phục chế độ quân dịch có thể thay đổi tình hình này hay không. Một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 12/2023 cho thấy rằng chỉ 17% người Đức “chắc chắn” sẵn sàng cầm vũ khí để bảo vệ đất nước khi đối mặt với sự xâm lược của nước ngoài.

Gia Huy (RT)