Giới chức Latvia hôm thứ Bảy (2/4) tuyên bố rằng các quốc gia vùng Baltic sẽ không còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga nữa.

Embed from Getty Images

Theo AFP, ông Uldis Bariss – CEO của công ty Conexus Baltic Grid, đơn vị quản lý kho dự trữ khí đốt tự nhiên của Latvia cho hay: “Nếu vẫn còn có bất kỳ mối hoài nghi nào về việc liệu còn có thể tin tưởng vào việc nhập khí đốt từ Nga, thì những sự kiện hiện tại rõ ràng cho chúng ta thấy rằng không có niềm tin nữa”.

Từ ngày 1/4, khí đốt tự nhiên của Nga sẽ không còn được chuyển tới Latvia, Estonia và Lithuania (Litva)”, ông Uldis Bariss nói với đài phát thanh Latvia.

Ông Uldis Bariss nói thêm rằng thị trường khí đốt tại khu vực Baltic gần đây đang lấy nguồn cung từ kho dự trữ khí tốt tại Latvia.

Trong khi đó, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda hôm thứ Bảy (2/4) viết trên Twitter rằng: “Từ tháng này trở đi, không còn khí đốt của Nga tại Litva nữa. Ông cũng nói đất nước ông sẽ cắt đứt “mối quan hệ về năng lượng với kẻ xâm lược”.

Nếu chúng ta có thể làm thế, thì phần còn lại của châu Âu cũng có thể làm vậy”, ông Gitanas Nauseda nói thêm.

Động thái các nước Baltic dừng nhập khí đốt từ Nga đến khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách sử dụng nguồn cung năng lượng làm đòn bẩy trong mối quan hệ với phương Tây.

Khi nền kinh tế Nga bị bóp nghẹt do hứng chịu các chế tài quốc tế chưa từng có tiền lệ, ông Putin đã cảnh báo các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) rằng họ sẽ cần phải mở tài khoản đồng ruble để trả tiền phí nhập khí đốt của Nga.

Ông Putin hôm thứ Năm (31/3) nói rằng những hợp đồng mua bán khí đốt giữa Nga và các nước Tây Âu hiện tại sẽ bị tạm dừng nếu họ không thanh toán bằng đồng ruble.

Mặc dù Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, nhưng EU vẫn duy trì nhập khẩu nguồn nhiên liệu này. Trong năm 2021, nguồn cung khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung khí đốt của EU. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.

Ủy ban châu Âu hôm 29/3 xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. EU và Mỹ hôm 25/3 cũng đã ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu.

Như Ngọc (T/h)