Hôm thứ Tư (1/6), các lực lượng Nga đã vào đến trung tâm thành phố công nghiệp Sievierodonetsk của Ukraine, tiến gần hơn đến việc giành được một thắng lợi trong cuộc tấn công tại khu vực phía đông Donbass.

Embed from Getty Images

Sau nhiều ngày giao tranh ác liệt xung quanh Sievierodonetsk, với phần lớn cơ sở hạ tầng đã bị hủy diệt bởi các cuộc bắn phá của Nga, quân đội Nga đang tiến dần vào các đường phố chính của thành phố. Ukraine cho biết khoảng 70% thành phố đã nằm dưới sự kiểm soát của phía Nga.

“Kẻ thù đã tiến vào trung tâm Sievierodonetsk và đang cố gắng chiếm các vị trí”, phát ngôn viên quân đội Ukraine Oleksandr Motuzyanyk cho biết tại một cuộc họp giao ban.

Nếu Nga chiếm được thành phố và thành phố Lysychansk ở bờ Tây sông Siverskyi Donets, thì nước này sẽ nắm giữ toàn bộ Luhansk, một trong hai tỉnh ở Donbass mà Moscow tuyên bố đại diện cho phe ly khai.

Việc chiếm được toàn bộ Luhansk sẽ hoàn thành một trong những mục tiêu chính của Tổng thống Nga Vladimir Putin và củng cố sự thay đổi động lực chiến trường sau khi lực lượng Nga bị đẩy lùi khỏi thủ đô Kyiv và miền bắc Ukraine.

Cùng ngày, Mỹ đã công bố gói vũ khí trị giá 700 triệu USD mới cho Kyiv, bao gồm các hệ thống tên lửa tiên tiến có khả năng đánh trúng mục tiêu cách xa 80 km.

Bên cạnh các hệ thống tên lửa tiên tiến, được gọi là HIMARS, gói mới của Mỹ bao gồm đạn dược, radar phản pháo, radar giám sát đường không, tên lửa chống tăng Javelin và vũ khí chống thiết giáp bổ sung, các quan chức cho biết.

Lầu Năm Góc cho biết ban đầu Washington sẽ cung cấp cho Ukraine 4 hệ thống HIMARS.

“Hoa Kỳ sẽ sát cánh với các đối tác Ukraine của chúng tôi và tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí và thiết bị để tự vệ”, ông Biden cho biết trong một tuyên bố.

Trước động thái này, Moscow đã cáo buộc Mỹ đổ thêm “dầu vào lửa”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc cung cấp các bệ phóng tên lửa làm tăng nguy cơ “nước thứ ba” bị lôi vào cuộc xung đột.

Quyết định cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa được đưa ra sau khi Washington nhận được sự đảm bảo từ Kyiv rằng họ sẽ không sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Ukraine hứa sẽ không sử dụng hệ thống này để tấn công các mục tiêu bên trong Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng việc mở rộng tầm bắn của pháo binh Ukraine sẽ giúp thúc đẩy Moscow đàm phán chấm dứt cuộc chiến tranh, hiện đã bước sang tháng thứ tư.

Chính quyền Biden còn có kế hoạch bán cho Ukraine 4 máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle có thể được trang bị tên lửa Hellfire để sử dụng trên chiến trường chống lại Nga, ba nguồn tin tiết lộ với Reuters.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các nguồn cung cấp sẽ không khuyến khích giới lãnh đạo Ukraine nối lại các cuộc đàm phán hòa bình đang bị đình trệ.

Lê Vy