Trong 10 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dựa vào sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) trị giá 4 nghìn tỷ USD để tăng cường sức ảnh hưởng của mình với ít nhất 149 quốc gia cho đến nay. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của ĐCSTQ, thành công đã không tìm đến, và hậu quả là BRI có thể bị sụp đổ. 

vành đai con đường
Các quốc gia và khu vực mà “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock)

Nỗ lực của ĐCSTQ trong việc thúc đẩy sáng kiến BRI tại các quốc gia châu Âu đã bị đình trệ, vì không lường trước được những rào cản và chậm trễ do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga đối với cuộc xâm lược Ukraine. 

Trước khi có các lệnh trừng phạt, Trung Quốc đã lấy Nga làm điểm trung chuyển, thuận tiện cho việc đưa thiết bị và vật tư BRI vào châu Âu. Trung Quốc chuyển hàng hóa của mình đến thành phố St.Petersburg, nước Nga qua tuyến Đường sắt Trung Quốc – châu Âu, sau đó vận chuyển hàng hóa qua Biển Baltic vào trung tâm châu Âu. Các lệnh trừng phạt đã buộc Trung Quốc phải đưa hàng hóa của họ vòng quanh Nga và vào châu Âu bằng các tuyến đường bộ chậm hơn thông qua Belarus, Ba Lan và các quốc gia khác.

Sáng kiến BRI lần đầu tiên được công bố vào năm 2013 bởi người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình. Chiến lược này được chia thành hai phần: một phần trên đường bộ dọc theo Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa chạy qua Trung Á, Trung và Đông Âu đến Tây Âu; một phần trên đường thủy qua “Con đường Tơ lụa  biển” chạy qua Biển Đông và Ấn Độ Dương, hướng về phía tây qua Đông Nam Á đến Nam Á, Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu.

Đất nước Ukraine bị tàn phá bởi chiến tranh, nằm ngay giữa giao lộ của lục địa Á-Âu, là cửa ngõ quan trọng từ châu Á vào châu Âu, và là nguồn cung cấp năng lượng, lương thực và công nghệ quân sự quan trọng cho Trung Quốc.

Các quốc gia khác dọc theo tuyến đường vận chuyển của BRI, bao gồm Belarus, Ba Lan và Romania, cũng đang gánh áp lực do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra. Ví dụ như Belarus đã phải chịu một số biện pháp trừng phạt vì quyết định đứng về phía Nga.

Thế tiến thoái lưỡng nan của BRI

Tuyến Đường sắt Trung Quốc đến Châu Âu là kênh quan trọng nhất để vận chuyển hàng hóa đường bộ của BRI với lộ trình từ tây sang đông qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan và châu Âu.

Vào ngày 31/3, tờ Nhật báo Kinh tế của Trung Quốc đưa tin, các các lệnh trừng phạt chống lại Nga và Belarus đã buộc các chuyến tàu phải chạy vòng qua những quốc gia này, cũng như vòng qua Ukraine. Do đó, các chuyến hàng tiến vào châu Âu đang bị trì hoãn trong khi các chuyến tàu trở về Trung Quốc lại thường trống rỗng. Sự gián đoạn này không biết sẽ kéo dài trong bao lâu.

Các công ty tham gia vào sáng kiến BRI của Trung Quốc cho biết rằng, việc chậm trễ vận chuyển không phải là vấn đề duy nhất mà họ phải đối mặt. Các biện pháp trừng phạt đã tạo ra những khó khăn về hậu cần, chi phí lao động tăng cao và trở ngại trong việc giải quyết các thỏa thuận thương mại vì các ngân hàng Nga không còn là một phần của SWIFT, huyết mạch của hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo Tuo Wei, một nhà bình luận về các vấn đề của Hoa Kỳ, ấn tượng tích cực mà BRI hy vọng tạo ra ở châu Âu đã bị bôi xấu trên trường thế giới bởi sự liên kết của Trung Quốc với Nga. Vết đen này đã góp phần làm cho BRI dễ bị thất bại ở châu Âu và những nơi khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times, nhà bình luận Tuo Wei suy đoán rằng sự ủng hộ rõ ràng của ĐCSTQ đối với Nga sẽ khiến Ukraine và Litva từ chối việc trở thành ‘con tốt’ của BRI sau khi chiến tranh kết thúc.

Bà Wei phân tích: “Các quốc châu Âu khác, bao gồm Đức, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Bulgaria và Romania, cũng có thể xem xét lại sự hợp tác của họ với ĐCSTQ và cảnh giác về sự xâm nhập của nước này”.

BRI mời gọi các khoản nợ và các cuộc nổi dậy

Trong khi đó tại Sri Lanka, trung tâm chính của tuyến đường biển BRI, người dân đang phản kháng lại nền kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1948. Quốc đảo nhỏ bé này phụ thuộc vào thương mại với Nga và Ukraine về ngành du lịch và trà. Cuộc chiến giữa hai quốc gia này đang góp phần làm cho nền kinh tế Sri Lanka suy sụp và cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước đã chuyển thành một cuộc khủng hoảng chính trị.

Tuy nhiên, nền kinh tế thất bại của Sri Lanka không bắt đầu từ việc Nga xâm lược Ukraine. Nó bắt nguồn từ khi ĐCSTQ trực tiếp sử dụng sáng kiến BRI để gài Sri Lanka vào một bẫy nợ mà từ đó đã chuyển sang một cơn ác mộng chính trị.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Sri Lanka có tổng số nợ là 35 tỷ USD, trong đó 6 tỷ USD nợ Trung Quốc là khoản vay để tài trợ cho các dự án BRI do các công ty Trung Quốc quản lý. Các dự án này bao gồm những cơ sở hạ tầng như cảng, sân bay và đường sắt. Để giúp giảm nhẹ khoản nợ của mình với Trung Quốc, năm 2017, Sri Lanka đã đồng ý cho Trung Quốc thuê Cảng Hambantota đáng mơ ước ở Ấn Độ Dương trong 99 năm với giá 1,1 tỷ USD. Hợp đồng thuê đã được gia hạn thêm 99 năm vào năm 2021.

Trong năm nay, Sri Lanka có nghĩa vụ phải trả 6,9 tỷ USD nợ nước ngoài của mình. Tuy nhiên, điều này khó thực hiện được vì tổng dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ có 2,3 tỷ USD. Để giải quyết tình trạng thâm hụt, tháng 1/2021, Sri Lanka đã yêu cầu ĐCSTQ tái cơ cấu nợ. Nhưng ĐCSTQ vẫn chưa phản hồi.

Để dập tắt các cuộc biểu tình hàng loạt đang leo thang, chính phủ Sri Lanka đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 1/4, bao gồm việc cắt liên lạc Internet và áp đặt lệnh giới nghiêm đối với công dân ở thủ đô.

Vào đêm 3/4, tất cả 26 thành viên nội các chính phủ Sri Lanka, ngoại trừ Thủ tướng, đã từ chức. Nội các mới nhậm chức chưa đầy một ngày trước khi Bộ trưởng tài chính từ chức vào ngày 7/4. Sau đó, vào ngày 11/4, những người biểu tình ở thủ đô Colombo đã tập trung bên ngoài văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và yêu cầu ông rời ghế.

Các sự cố khác liên quan đến BRI

Indonesia trở thành quốc gia đầu tiên tham gia vào sáng kiến ​​“Con đường tơ lụa trên biển” của ĐCSTQ. Mặc dù Indonesia vẫn giữ thái độ trung lập trong việc liên kết với các quốc gia khác, nhưng nước này cảm thấy bị áp lực phải tuân theo ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ ở khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.

Theo một cuộc khảo sát 2 năm một lần do Viện Lowy của Australia công bố vào ngày 5/4, người Indonesia đang cảnh giác với các khoản đầu tư của Trung Quốc. Gần một nửa số người được hỏi cảm thấy rằng trong vòng 10 năm tới, chế độ cộng sản Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia có mối đe dọa nhiều nhất. 60% người Indonesia ủng hộ hợp tác với các quốc gia khác để kiềm chế ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Người Indonesia có lý do chính đáng để nghi ngờ ĐCSTQ. Việc đầu tư của họ vào dự án đường sắt cao tốc BRI từ Jakarta đến Bandung không mang lại kết quả như mong muốn. Dự án này đang được xây dựng bởi một công ty nhà nước Trung Quốc, sự phấn khởi ban đầu dành cho tuyến đường sắt cao tốc dài 142 km này đã tan thành mây khói do việc chậm trễ kéo dài và chi phí vượt quá 2,47 tỷ USD.

Ước tính chi phí ban đầu của ĐCSTQ cho dự án BRI này là 5,5 tỷ USD với điểm hòa vốn là 26 năm. Tuy nhiên ước tính sửa đổi cho thấy dự án sẽ tiêu tốn 7,79 tỷ USD với khả năng hòa vốn trong 40 năm. Dựa trên dữ liệu này, có thể nói rằng BRI không thúc đẩy hình ảnh hoặc ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Indonesia.

Theo báo cáo của Nikkei Asia vào tháng Hai, Trung Quốc đã chi hơn 7 tỷ USD cho tuyến đường sắt Indonesia và vẫn đang bơm tiền vào dự án. Nếu kế hoạch này bị hủy bỏ, Trung Quốc có khả năng sẽ mất nhiều tiền hơn Indonesia. 

Những rắc rối của ĐCSTQ với sáng kiến BRI cũng đã quá rõ ràng ở các nơi khác.

Kazakhstan là trung tâm chính thuộc tuyến đường bộ của BRI, và vì cả ba đường ống dẫn khí đốt khu vực Trung Á của Trung Quốc đều chạy qua quốc gia này, cho nên Kazakhstan là một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng.

Kể từ tháng Giêng, giá khí đốt ở Kazakhstan đã tăng vọt đến mức không thể chi trả được và đất nước này đã rơi vào tình trạng bất ổn xã hội. Sự bất bình của người dân cũng được thúc đẩy khi giá lúa mì và bột mì tăng cao do hạn hán và việc ngừng nhập khẩu ngũ cốc từ Nga.

Các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã tàn phá nền kinh tế mong manh và thị trường tài chính của Kazakhstan. Tỷ lệ lạm phát của đất nước đang tăng nhanh chóng, ngân hàng trung ương của họ đã tăng lãi suất chuẩn lên 9,75%, và đồng tenge tiếp tục trượt giá.

Kể từ ngày 28/2, tỷ giá hối đoái của đồng tenge  so với với đồng USD đã trượt xuống còn 496:1, giảm mạnh so với mức 433:1 được báo cáo vào thời điểm cuộc hỗn loạn ngày 7/1. Điều này đã khiến Cơ quan Giám sát Tài chính của Kazakhstan tạm dừng các dịch vụ giao dịch và trao đổi đồng tenge của ngân hàng.

Mặc dù Kazakhstan có thể được hưởng lợi từ một dự án BRI, tuy nhiên khả năng thành công là điều khó xảy ra. Không phải vì những khó khăn tài chính của Kazakhstan, mà bởi vì Trung Quốc đã tạo dựng một danh tiếng bất lợi ở đó. Các công ty khai thác dầu mỏ của Trung Quốc hoạt động trong khu vực đã bị phanh phui vì hối lộ các quan chức địa phương, bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường và kích động tranh chấp đất đai với người Kazakhstan.

Như Ngọc (Theo The Epoch Times)