Các nhà chức trách tại khu vực Nagorno-Karabakh hôm thứ Năm (28/9) đã loan báo giải thể nước cộng hòa tự xưng. Động thái này được đưa ra sau khi giới chức và quân đội ly khai người Armenia đã chấp nhận đầu hàng Azerbaijan.

toa nha chinh quyen cong hoa Nagorno Karabakh
Quang cảnh bên ngoài tòa nhà chính phủ của Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng tại Stepanakert, Nagorno-Karabakh vào ngày 24 tháng 9 năm 2007. (Nguồn ảnh: Matthias Schumann/ Getty Images)

Theo RT, ông Samvel Shahramanyan, tổng thống của nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng hôm thứ Năm (28/9) đã ký sắc lệnh tuyên bố “giải thể tất cả các thể chế nhà nước và các ban ngành liên quan trước ngày 1 tháng 1 năm 2024”.

Cộng hòa Republic of Nagorno-Karabakh (Artsakh) chấm dứt tồn tại”, sắc lệnh của ông Samvel Shahramanyan viết.

Sắc lệnh đó cũng cho biết cư dân của khu vực Nagorno-Karabakh, kể cả những người đã di tản, nên “làm quen với những điều kiện của sự tái tích hợp mà Cộng hòa Azerbaijan đưa ra”, và tự quyết định về việc liệu có quay trở lại khu vực Nagorno-Karabakh hay không.

Theo sắc lệnh, việc giải tán nước cộng hòa tự xưng “liên quan đến tình hình quân sự – chính trị khó khăn hiện tại” và nhằm đảm bảo chắc chắn cho sự an toàn của cư dân Nagorno-Karabakh, đồng thời cũng xét đến thỏa thuận ngừng bắn với Azerbaijan do Nga làm trung gian hòa giải. Thỏa thuận ngừng bắn cho phép cư dân của khu vực Nagorno-Karabakh, gồm cả quân nhân đã buông vũ khí đầu hàng được tự do di chuyển.

Sắc lệnh tổng thống có tính bước ngoặt nêu trên đã đặt dấu chấm hết cho lịch sử của nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh không được quốc tế công nhận vốn ly khai khỏi Azerbaijan trong những ngày cuối cùng của Liên Xô.

Nagorno-Karabakh nằm ở khu vực mà trong nhiều thế kỷ bị đặt dưới sự thống trị của người Ba Tư, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Nga, người Ottoman và Liên Xô. Cả Azerbaijan và Armenia đều tuyên bố chủ quyền khu vực này sau khi Đế chế Nga sụp đổ vào năm 1917. Trong thời kỳ Liên Xô, khu vực này được chính quyền cộng sản chỉ định là khu vực tự trị nằm trong Azerbaijan.

Khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, người Armenia sống tại Nagorno-Karabakh đã hất bỏ sự kiểm soát trên danh nghĩa của Azerbaijan và đã kiểm soát khu vực này sau một cuộc chiến tranh được gọi là Chiến tranh Karabakh lần thứ nhất. Từ năm 1988 đến năm 1994, có khoảng 30.000 người đã thiệt mạng và hơn 1 triệu người, chủ yếu là người Azerbaijan, đã phải di tản đi nơi khác.

Năm 2020, sau nhiều thập kỷ xung đột nhỏ dai dẳng, Azerbaijan đã giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài 44 ngày, được gọi là Chiến tranh Karabakh lần thứ hai. Cuộc chiến này đã kết thúc sau khi các bên ký thỏa thuận hòa bình dưới sự trung gian hòa giải của Nga.

Giới chức ly khai ở Nagorno-Karabakh đưa ra tuyên bố giải thể nước cộng hòa tự xưng sau khi tuần trước Azerbaijan tiến hành cuộc tấn công vào khu vực này mà họ gọi là “các biện pháp cực bộ chống khủng bố”.

Sau một ngày giao tranh, phe ly khai đã chấp nhận đầu hàng, ký thỏa thuận ngừng bắn với Azerbaijan theo những điều khoản hoàn toàn bất lợi cho họ.

Theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn, tất cả lực lượng chiến đấu chống lại Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh phải rời khỏi vị trí chiến đấu và giao nộp vũ khí cho chính quyền Baku. Thỏa thuận cũng mở ra một cuộc đàm phán về các vấn đề trong phạm vi rộng hơn giữa các đại diện của cộng đồng Nagorno-Karabakh và giới chức Azerbaijan.

Sau thỏa thuận ngừng bán, cư dân Nagorno-Karabakh đã ồ ạt rời khỏi khu vực này hướng tới Armenia. Các nhà chức trách Armenia cho biết hơn 65.000 người di cư đã tới Armenia. Số lượng này là chiếm khoảng hơn một nửa tổng số người sắc tộc Armenia đang sinh sống tại Nagorno-Karabakh.

Mặc dù Azerbaijan đã cam kết tôn trọng quyền của tộc người Armenia trong khu vực và đảm bảo khôi phục nguồn cung thiết yếu sau 10 tháng phong tỏa vừa qua, nhưng nhiều người dân địa phương tại Nagorno-Karabakh đã lo sợ bị trả thù và thanh trừng sắc tộc.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đầu tuần này đã bày tỏ niềm tin rằng sự tái tích hợp Nagorno-Karabakh sẽ thành công, đồng thời cam kết tôn trọng quyền của cư dân địa phương.

Hải Đăng