Ngày 23/8, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án “tâm lý Chiến tranh Lạnh” vẫn “đang ám ảnh thế giới , đồng thời đưa ra tầm nhìn địa chính trị của mình.

Embed from Getty Images

Phát biểu với các nhà lãnh đạo của Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi ở Johannesburg, thành phố lớn nhất Nam Phi, ông Tập nhấn mạnh: “Chúng ta tập hợp vào thời điểm thế giới bước vào một thời kỳ hỗn loạn và biến đổi mới” và thế giới “đang trải qua những thay đổi lớn, chia rẽ và tập hợp lại, dẫn đến những diễn biến không chắc chắn, bất ổn và khó lường hơn.”

Ông tiếp tục: “Tâm lý Chiến tranh Lạnh vẫn đang ám ảnh thế giới chúng ta, và tình hình địa chính trị đang trở nên căng thẳng.” Ông cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc về cuộc xung đột ở Ukraine: cuộc chiến bắt đầu vì “những lý do phức tạp” “đừng ai đổ thêm dầu vào lửa, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.”

Trong nhiều năm, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần khẳng định rằng quyền bá chủ của Hoa Kỳ đang suy giảm và một thế giới đa cực hơn đang xuất hiện, vì vậy Washington phải đối xử với các cường quốc “đang lên” như Trung Quốc một cách bình đẳng. Ông Tập đã công khai ca ngợi việc tái cân bằng quyền lực khi ông nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 rằng cả hai nhà lãnh đạo đang thúc đẩy “những thay đổi, những điều mà chúng ta chưa từng thấy trong 100 năm qua.” Trong những cuộc họp bí mật với các tướng lĩnh Trung Quốc, ông Tập được cho là đã cảnh báo quân đội của mình rằng những thay đổi địa chính trị có thể dẫn đến “sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh và những phản ứng dây chuyền của nó.”

Để ngăn chặn điều này, hôm 23/8, chủ tịch Trung Quốc đề xuất: “Các quốc gia BRICS cần phải ủng hộ tinh thần hòa nhập, ủng hộ sự chung sống hòa bình và hòa hợp giữa các nền văn minh, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng của tất cả các quốc gia trong việc độc lập lựa chọn con đường hiện đại hóa của mình.”

Ông giải thích: “Có nhiều nền văn minh và con đường phát triển trên thế giới, và thế giới nên đi theo cách này.”

Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng kêu gọi củng cố các thể chế toàn cầu và áp dụng các quy tắc toàn cầu dựa trên Hiến chương LHQ, “thay vì chịu sự điều khiển bởi những kẻ có sức mạnh lớn nhất hoặc có tiếng nói lớn nhất.” Bắc Kinh đã nhiều lần lên án Hoa Kỳ vì tự coi mình là nhà quốc gia lãnh đạo trong “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” trong khi lại vi phạm các quy tắc tương tự mà Hoa Kỳ áp dụng cho các quốc gia khác.

Ông Tập kêu gọi: “Các quốc gia BRICS nên thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự, ủng hộ hệ thống quốc tế lấy LHQ làm trung tâm, ủng hộ và củng cố hệ thống thương mại đa phương lấy WTO làm trung tâm, đồng thời bác bỏ nỗ lực tạo ra các nhóm nhỏ hoặc các khối độc quyền.” Đồng thời ông cũng kêu gọi năm quốc gia trong nhóm BRICS tăng cường quan hệ thương mại, tài chính và phát triển.

Chủ tịch Tập Cận Bình không phải nhà lãnh đạo duy nhất trong nhóm BRICS tố cáo sự bá quyền của phương Tây tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg. Phát biểu tại hội nghị qua liên kết video, Tổng thống Putin đã đổ lỗi cho cuộc xung đột ở Ukraine là do phương Tây cố gắng duy trì quyền lực của mình, đồng thời ông ca ngợi rằng BRICS đại diện cho “sự hình thành một trật tự thế giới đa cực, thực sự công bằng và dựa trên luật pháp quốc tế.”

Gia Huy (Theo RT)