Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung ở San Francisco vào tuần trước (16/11), Bắc Kinh phủ nhận rằng họ có kế hoạch tấn công Đài Loan vào năm 2027 hoặc 2035. Đồng thời cũng tại hội nghị này, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý khởi động lại liên lạc quân sự.

GettyImages 1411346991 scaled
Xe tấn công đổ bộ AAV7 của Đài Loan nổi lên từ biển trong cuộc tập trận quân sự Han Kuang, mô phỏng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xâm chiếm hòn đảo, vào ngày 28 tháng 7 năm 2022 tại Bình Đông (Pingtung) Đài Loan (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Các chuyên gia Đài Loan cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể không tấn công Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) trong thời gian ngắn do thiếu năng lực và nội bộ hỗn loạn mà chỉ là đang chuẩn bị cho việc đó.

Ông Li Zhengxiu, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng thời điểm cho kế hoạch tấn công Đài Loan của ĐCSTQ vào năm 2027 hoặc 2035 về cơ bản không phải do ĐCSTQ đặt ra mà là suy đoán của quân đội Hoa Kỳ hay các học giả nghiên cứu của Hoa Kỳ.

Ông Li nói rằng ĐCSTQ hiện không có kế hoạch tấn công Đài Loan và không có lý do gì để sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. Nếu họ tiến hành chiến dịch đổ bộ, xét theo sức mạnh quân sự hiện tại của ĐCSTQ, họ không có cơ hội chiến thắng. Tuy nhiên, “cho dù đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,… họ đều đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan. ĐCSTQ cũng đang chuẩn bị cho điều đó”.

Khi Tổng thống Joe Biden hội đàm với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, chế độ cộng sản đã thu hẹp lại hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan. Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh, quân đội của chế độ cộng sản Trung Quốc đã nối lại các cuộc xâm nhập trên không qua eo biển Đài Loan.

Biden Tap Can Binh
Hai nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Mỹ hôm 15/11/2023. (Ảnh: Nhà Trắng)

Trong cuộc gặp Biden-Tập, Hoa Kỳ và ĐCSTQ có quan điểm rất khác nhau về vấn đề Đài Loan. Mỹ kiên quyết phản đối việc đơn phương thay đổi tình trạng. ĐCSTQ phủ nhận việc họ có kế hoạch tấn công Đài Loan vào năm 2027 hoặc 2035, nhưng vẫn đề cập đến các điều kiện sử dụng vũ lực, và cho rằng “vào một thời điểm nhất định nào đó chúng ta cần hướng tới những giải pháp rộng lớn hơn”.

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh APEC, ĐCSTQ lại gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa tin, trong ngày 18/11, 9 chuyến bay của máy bay Trung Quốc tiếp tục hoạt động quanh eo biển Đài Loan và vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan. Đường trung tuyến này, trước đây là “lằn ranh đỏ” mặc định giữa Trung Quốc và Đài Loan, hiện thường xuyên bị máy bay quân sự Trung Quốc vượt qua. Ngoài ra, ĐCSTQ còn cử tàu chiến thực hiện cái gọi là “tuần tra sẵn sàng chiến đấu” ở eo biển.

Năng lực tác chiến đổ bộ chưa hoàn thiện

Ông Shu Hsiao-Huang, một nhà nghiên cứu tại Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ đã tăng cường các hoạt động hải quân và không quân xung quanh Đài Loan và ít nhiều là để chuẩn bị cho chiến tranh. “Tuy nhiên, không dễ để thực sự tiến hành một chiến dịch quân sự đổ bộ qua eo biển Đài Loan. Quân đội của ĐCSTQ hiện thiếu năng lực trong lĩnh vực này”.

Ông nói thêm rằng một khi xảy ra cuộc đối đầu trực diện với Mỹ ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, Trung Quốc sẽ gặp bất lợi.

“Có thể thấy từ lịch sử các cuộc chiến tranh trước đây, ĐCSTQ dựa nhiều hơn vào ‘chiến thuật biển người’. Nếu xảy ra chiến tranh ở Biển Hoa Đông hoặc Biển Đông, đó sẽ là trận chiến trên biển và trên không, vốn do công nghệ thống trị. Các ‘chiến thuật biển người’ mà ĐCSTQ quen sử dụng sẽ không có tác dụng gì”, ông Su Tze-yun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Đài Loan, cho biết. “Nếu chẳng may một cuộc chiến tranh nóng thực sự xảy ra trong tương lai, khả năng thất bại của ĐCSTQ là hơn 90%”.

Các vấn đề nội bộ của quân đội ĐCSTQ

Ông Shu cho rằng có nhiều yếu tố chưa định rõ trong tinh thần quân sự của ĐCSTQ và việc chống tham nhũng của chính quyền có thể gây tác động. “Chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những ảnh hưởng này. Liệu có xảy ra tình trạng quân đội không nghe lệnh trung ương và làm việc riêng rẽ không? Trong trường hợp đó rất có thể xảy ra xung đột khu vực một cách không chủ ý”.

Hiện tại, ông Tập đang thanh lọc quân đội của ĐCSTQ. Ông Li Zhengxiu chỉ ra rằng những tướng lĩnh có kinh nghiệm ở các cấp khác nhau hầu hết đã bị thanh trừng, các tướng mới có ít kinh nghiệm hơn, khiến việc đảm bảo khả năng chiến đấu của quân đội ĐCSTQ càng khó khăn hơn.