Một chuyên gia Nhật Bản về quan hệ quốc tế cho biết, quan hệ Mỹ-Trung luôn ẩn chứa ngờ vực sâu sắc, có thể xấu đi bất cứ lúc nào.

GettyImages 1258808175
Ngày 19/6/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp ông Anthony Blinken tại Bắc Kinh, kết thúc hai ngày hội đàm cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ và các quan chức Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Leah MILLIS / POOL / AFP qua Getty Images)

Trong một bài báo trên tờ Japan Times, phó giáo sư Stephen Nagy về quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo (International Christian University) cảnh báo rằng vòng luẩn quẩn đối kháng nhiều vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung có thể dẫn đến xung đột bạo lực, dù vô tình hay cố ý, gây tác động tiêu cực đáng kể đến khu vực Thái Bình Dương. Ông cho rằng chuyến thăm Trung Quốc vừa kết thúc của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken là bước đầu tiên rất quan trọng trong việc tái thiết lập đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột.

ĐCSTQ đầy bất an về “cách mạng màu”

“Sự ngờ vực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt nguồn từ sự bất an kinh niên trong việc đảm bảo chế độ cai trị toàn trị”, ông Stephen Nagy viết, “Đối với các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, họ tin rằng Mỹ và các nước phương Tây muốn thực hiện ‘diễn biến hòa bình’ biến Trung Quốc thành một nước dân chủ”.

Đồng quan điểm, trợ lý giáo sư Sulmaan Wasif Khan tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts cho biết, kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949 họ đã xác định môi trường bên ngoài là thù địch và thề sẽ sử dụng sức mạnh quốc gia để củng cố chính quyền cách mạng của họ. Ông Sulmaan Wasif Khan là tác giả sách “Ám ảnh hỗn loạn: Chiến lược lớn của Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình” (Haunted by Chaos: China’s Grand Strategy from Mao Zedong to Xi Jinping).

Nagy chỉ ra rằng từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình, từ Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào, và bây giờ là Tập Cận Bình, họ đều coi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, Libya và Syria, thậm chí cả cuộc chiến ở Ukraine là “các cuộc cách mạng màu” do Mỹ hậu thuẫn, như vậy sẽ làm lung lay bộ máy chính trị của ĐCSTQ và ngăn cản Trung Quốc trở lại vai trò trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông cho biết, điều quan trọng nữa là ĐCSTQ nhận thấy lập trường của Mỹ đối với Đài Loan vi phạm hoặc làm loãng chính sách “một Trung Quốc” của họ. ĐCSTQ muốn Mỹ công nhận rằng họ đã và đang là đại diện duy nhất của “một Trung Quốc”, bất kể thực tế Đài Loan (tức Trung Hoa Dân Quốc) luôn là thực thể có chủ quyền riêng biệt.

Mỹ bất an vì tính mập mờ và vô nguyên tắc của ĐCSTQ

Về lo ngại của Mỹ đối với Trung Quốc, ông Nagy chỉ ra bắt nguồn từ hệ thống chính trị và các giá trị không rõ ràng của Trung Quốc, nỗ lực của ĐCSTQ nhằm trục xuất Mỹ và sự hiện diện ảnh hưởng của Mỹ khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và việc Trung Quốc viết lại các quy tắc của các thể chế quốc tế, chẳng hạn như thay đổi định nghĩa về nhân quyền và dân chủ, khiến cho Mỹ cảm thấy rằng nền pháp trị dựa trên luật lệ đã bị suy yếu.

Ngoài ra, Mỹ lo ngại sâu sắc về những động thái bắt nạt gây sức ép kinh tế ngày càng tăng của ĐCSTQ, việc ĐCSTQ đơn phương bãi bỏ các thỏa thuận quốc tế như Tuyên bố chung Trung-Anh về Hồng Kông, hay như gia tăng quá trình quân sự hóa.

Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố vào năm 2022 cho biết, Trung Quốc vẫn là nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới với khoản phân bổ ước tính khoảng 292 tỷ USD. Đây là mức tăng 4,2% so với năm 2021 và tăng 63% so với năm 2013. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã liên tiếp tăng trong 28 năm liền.

Ông Nagy viết: “Điều quan trọng là từ Nhật Bản đến Canada, Đức đến Ấn Độ, những nước này đều chia sẻ chung mối lo ngại như Mỹ. Những lo ngại chung này cho thấy vòng luẩn quẩn xấu giữa Washington và Bắc Kinh không chỉ là vấn đề liên quan Mỹ mà còn là vấn đề ảnh hưởng rộng lớn hơn mang ý nghĩa toàn cầu”.

Lo lắng về ngoại giao con tin của ĐCSTQ

Kể từ giữa nhiệm kỳ của chính quyền Mỹ thời ông Trump và sự bùng phát của đại dịch COVID-19, hoạt động tiếp xúc liên lạc giữa Bắc Kinh và Washington phần lớn bị gián đoạn. Đặc biệt, giao lưu văn hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm mạnh. Dù ông Biden và ông Tập Cận Bình gặp mặt trực tiếp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia, nhưng trong bối cảnh lo ngại ĐCSTQ quay trở lại chính sách ngoại giao con tin khiến những trao đổi có ý nghĩa giữa các học giả, viện nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách giữa hai bên gần như biến mất.

Tiêu biểu trước đó, trong hành động được coi là trả đũa việc Canada theo yêu cầu của Mỹ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu, năm 2018 ĐCSTQ đã bắt giữ hai người Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor.

Vấn đề đối thoại thường xuyên và các chuyến thăm lẫn nhau tạo cơ hội cho các chuyên gia hiểu rõ hơn về các mối quan ngại về an ninh của nhau, từ đó xây dựng tốt hơn các kênh hợp tác. Nhưng hiện tại, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đã bị phía Trung Quốc dừng lại do những lo ngại về khác biệt ý thức hệ.

Ông Nagy cho biết điều này càng làm trầm trọng thêm sự bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như từ nước khác với Trung Quốc, vì sự thiếu hiểu biết lẫn nhau thường dẫn đến hiểu lầm và xung đột.

Vấn đề nữa là tính bất nhất trong lời nói và hành động của ĐCSTQ là một lý do khác gây khó khăn cho quan hệ Trung-Mỹ cũng như quan hệ của Trung Quốc với nhiều nước. Ví dụ mới nhất là thái độ “trung lập” nhưng thân Nga của ĐCSTQ đối với cuộc xâm lược Ukraine của Nga, hay trước đó là việc họ không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực liên quan các yêu sách lãnh thổ hoang đường của họ ở Biển Đông, hay việc họ không công nhận các vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương, họ phản bác cho có bằng luận điệu “không can thiệp vào công việc nội bộ”.

Vấn đề này được cựu phóng viên tạp chí Time tại Trung Quốc là Isaac Stone Fish cho biết, có một khoảng cách lớn giữa những gì ĐCSTQ nói và những gì họ làm, đồng thời có bằng chứng rõ ràng về các hoạt động gây ảnh hưởng của họ ở Canada và Úc cũng như ảnh hưởng đối với các công ty Mỹ.

Ông Nagy kết luận: “Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken không thể đủ khắc phục những ngờ vực, bất hòa và khác biệt sâu sắc tồn tại trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Thực tế, những mâu thuẫn luôn tiềm ẩn trầm trọng thêm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế Trung Quốc ngày càng sâu sắc, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 và hiệu ứng của việc Nga xâm lược Ukraine bất hợp pháp”.