Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản hôm thứ Tư (29/9) đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida làm lãnh đạo tiếp theo của đảng này, có nghĩa là ông sẽ trở thành tân Thủ tướng trong vòng vài ngày tới, Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Mặc dù chỉ nhận được sự ủng hộ ở mức trung bình, ông Kishida được một số ứng viên nặng ký của đảng hậu thuẫn, khiến ông đánh bại ứng viên đang lên là Bộ trưởng phụ trách vắc-xin Taro Kono.

Trong vòng bỏ phiếu thứ hai, ông Kishida được 250 phiếu, còn ông Kono được 170 phiếu. Hai ứng cử viên nữ, Sanae Takaichi, 60 tuổi và Seiko Noda, 61 tuổi, đã bỏ cuộc sau vòng đầu tiên. 

Ông Kishida dự kiến sẽ được bầu làm thủ tướng trong phiên họp Quốc hội bắt đầu ngày 4/10 tới đây.

Là lãnh đạo mới, ông được cho là sẽ tập trung vào các vấn đề dân túy, ví dụ như ủng hộ việc hình thành một loại chủ nghĩa tư bản mới và giảm bớt sự phân chia giàu có.

Trong cuộc họp báo đầu tiên, ông Kishida nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng đạt được tăng trưởng kinh tế và phân phối của cải”, đồng thời nói thêm rằng không có cách nào để đạt được tăng trưởng mà không phân phối của cải.

Ông Kishida là người kế nhiệm Thủ tướng Yoshihide Suga chỉ sau một năm nhậm chức. Ông dự kiến ​​sẽ thành lập nội các mới và cải tổ lại ban điều hành LDP vào đầu tháng 10.

Hãng tin Reuters dẫn lời Jesper Koll, giám đốc chuyên môn tại Monex Group, cho biết việc lựa chọn ông Kishida là một chiến thắng cho khối cố hữu trong đảng. “Kishida tượng trưng cho sự ổn định, không làm rung chuyển con thuyền và quan trọng nhất, làm những gì các nhà kỹ trị ưu tú yêu cầu ông ta làm,” ông Koll nhận xét.

Chiến thắng của ông Kishida không có khả năng kích hoạt một sự thay đổi lớn trong các chính sách hiện tại, bao gồm việc Nhật Bản tìm cách đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và hồi sinh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

Ông Kishida đồng tình về sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản và tăng cường quan hệ an ninh với Hoa Kỳ và các đối tác khác, bao gồm nhóm Bộ Tứ gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ; đồng thời duy trì các mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc.

Ông cũng ủng hộ việc thông qua một nghị quyết lên án việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Ông đã đề xuất một gói chi tiêu hơn 30 nghìn tỷ yên, nói thêm rằng Nhật Bản có khả năng sẽ không tăng thuế suất bán hàng từ 10% “trong khoảng một thập kỷ”.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải phân phối nhiều của cải hơn cho các hộ gia đình, trái ngược với trọng tâm của các chính sách “Abenomics” của ông Abe là thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp với hy vọng lợi ích từ đó sẽ được chuyển xuống cho những người làm công ăn lương.

Xuân Lan (theo Reuters)

Xem thêm: