Hành động hét lên “chạy đi” của nữ phát thanh viên đài NHK trong trận động đất lớn ở Nhật Bản đã được nhiều người khen ngợi. Lần này, nhiều kênh truyền thông Trung Quốc Đại Lục đã thể hiện thái độ “thân Nhật” một cách bất thường.

dong dat Nhat Ban 1 1
Một trận động đất lớn xảy ra ở miền trung Nhật Bản vào ngày 1/1/2024. Một thông báo cảnh báo hiển thị trên màn hình phát sóng trực tiếp của NHK World, yêu cầu người dân sơ tán ngay lập tức. (Ảnh: MLADEN ANTONOV/AFP via Getty Images)

Trận động đất ban đầu được ước tính có cường độ 7,6 độ richter, sóng thần đã ập vào bờ biển phía tây Nhật Bản vào chiều ngày 1/1, cuốn trôi một số ô tô và nhà cửa ra biển.

Tỉnh Ishikawa , nơi có tâm chấn của trận động đất , cho biết tính đến 4h chiều (giờ địa phương) ngày thứ Bảy, ít nhất 126 người được xác nhận đã thiệt mạng trong trận động đất. Ngoài ra, ít nhất 516 người bị thương trong quận.

Cơ quan chức năng thành phố Wajima cho biết, sau khi nhận được khoảng 100 báo cáo về người dân bị mắc kẹt dưới các tòa nhà bị sập, Lực lượng Phòng vệ đã tăng cường huy động nhân lực từ khoảng 5.000 lên khoảng 5.400, đồng thời tăng cường nỗ lực tìm kiếm cứu nạn cùng với cảnh sát.

Hơn 30.000 nạn nhân đã được sơ tán đến khoảng 360 địa điểm, vấn đề vệ sinh do thiếu nước cần được cải thiện khẩn cấp.

Tuy nhiên, các dư chấn tiếp tục xảy ra, khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn hơn, vào khoảng 5h26 sáng thứ Bảy, một trận động đất có cường độ 5 độ richter đã được quan sát thấy tại thị trấn Anamizu. Dự kiến ​​mưa sẽ đổ bộ vào tỉnh Ishikawa vào Chủ Nhật, sau đó là tuyết khi nhiệt độ giảm xuống, có thể gây nguy hiểm cho những người sống sót bị mắc kẹt và gây ra lở đất hoặc các hiểm họa địa chất khác.

Khi trận động đất ở Ishikawa xảy ra vào ngày đầu năm mới, nữ phát thanh viên Izumi Yamauchi của đài NHK đã hét lên: “Hãy trốn dưới gầm bàn, bảo vệ đầu và bảo vệ cơ thể”.

Sau đó, Cục Khí tượng Nhật Bản đưa ra cảnh báo sóng thần lớn. Izumi Yamauchi ngay lập tức hét lớn: “Tính mạng của bạn đang gặp nguy hiểm, hãy chạy đi!” “Đừng xem TV, hãy chạy đi!”, “Đừng nhìn lại, hãy chạy ngay! Chạy! Chạy đến vùng đất cao hơn!”, “Đường bị nứt, chạy cẩn thận đừng để bị thương ở chân.”

Người dân Nhật Bản khen ngợi những biểu hiện này của cô:

“Tôi nghĩ cô ấy thật chuyên nghiệp. Cô ấy hét lên suốt thời gian đó. Việc đó tốn rất nhiều sức lực.”

“Nữ phát thanh viên NHK đưa tin về sóng thần thật tuyệt vời!”

“Cô ấy đã lớn tiếng đưa tin rất lâu. Tôi thực sự cảm nhận được mong muốn bảo vệ tính mạng người dân của cô ấy.”

“Nữ phát thanh viên NHK liên tục hét lên, truyền tải tình hình cấp bách, quả thực đã nói rõ có trường hợp khẩn cấp. Thật tuyệt vời!”

“Giọng ‘Chạy đi!’ và ‘Đừng nhìn lại!’ của nữ bình luận NHK rất mạnh mẽ.”

“Kêu gọi mọi người sơ tán với cảm giác cấp bách và giọng điệu tuyệt vời là khí chất của một đài truyền hình, và đó là điều mà một đài truyền hình nên làm.”

Cách làm kêu gọi người dân sơ tán nhanh chóng của nữ phát thanh viên NHK bắt nguồn từ những mất mát và bài học rút ra từ trận sóng thần trước đó do trận động đất lớn ở miền đông Nhật Bản gây ra.

Chiều ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ richter đã xảy ra ở miền đông Nhật Bản gây ra thảm họa lớn, khiến hơn 22.200 người chết và mất tích. Đồng thời, Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo cũng xảy ra sự cố rò rỉ. Một cơn sóng thần khổng lồ đã tấn công bờ biển Hokkaido, Tohoku và Kanto.

Kể từ đó, đài phát sóng NHK đã khám phá và cải thiện nội dung phát sóng trong trường hợp xảy ra thảm họa quy mô lớn, bằng cách dùng lời nói để cứu nhiều mạng sống hơn. phát thanh viên sẽ đưa tin bằng những lời mạnh mẽ.

Biện pháp phát sóng này dựa trên kế hoạch cải tiến của NHK và là một công nghệ hiệu quả. Đây là một phần trong cam kết mạnh mẽ của NHK trong việc đưa tin về thảm họa cho nhiều thế hệ. Cách làm này nhận được sự ủng hộ của những người đã mất người thân trong trận sóng thần.

Vào ngày xảy ra trận động đất ở Nhật Bản, Tiêu Trình Hạo, người dẫn chương trình Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Nam của Trung Quốc với 7 triệu người theo dõi, đã đăng một video lên Weibo Tik Tok, hả hê cho rằng đây là quả báo cho việc Nhật Bản đã xả nước thải nhiễm phóng xạ hạt nhân ra biển vào năm ngoái. Không chỉ Tiêu Trình Hạo, nhiều “tiểu phấn hồng” (thanh niên Trung Quốc yêu nước mù quáng) cũng vui vẻ tán thưởng trên mạng xã hội.

ĐCSTQ thay đổi thái độ, “thân Nhật” một cách bất thường

Khác với những lời nói và hành động chống Nhật trước đây, lần này, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không những không xúi giục ở hậu trường, mà còn chỉ trích hiện tượng này. Bản thân Tiêu Trình Hạo cũng bị đình chỉ chức vụ vì “những nhận xét không phù hợp”.

Hiệp hội Kinh tế và Truyền thông Trung Quốc đã công khai tuyên bố phải kiểm duyệt nội dung tài khoản mạng xã hội của nhân viên. Tin tức ngược dòng từ các kênh truyền thông chính thức đề cập đến lịch sử tình hữu nghị Trung-Nhật, đồng thời ca ngợi sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Trung Quốc trong thời kỳ dịch virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

id14151309 0104 600x434 1
Ngày 1/1/2024, sau khi trận động đất lớn xảy ra ở tỉnh Ishikawa, đài truyền hình SUN ở tỉnh Hyogo, Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo động đất bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Trung giản thể: “Để bảo vệ tính mạng, hãy chạy đi càng sớm càng tốt, hãy chạy đến nơi cao.” (Ảnh chụp màn hình video)

Bài viết cũng đặc biệt đề cập rằng sau trận động đất, một số đài truyền hình ở Nhật Bản đã tính đến việc một số du khách Trung Quốc không hiểu tiếng Nhật, nên người dẫn chương trình đã dùng bảng cảnh báo bằng tiếng Trung để hướng dẫn du khách Trung Quốc cách sơ tán.

“Những hành động đầy thiện ý và tử tế gây xúc động này sẽ khơi dậy sự hưởng ứng tương tự trong xã hội dân sự Trung Quốc.”

Ngoài ra, bài viết này còn đứng về phía Nhật Bản một cách hiếm hoi khi cho rằng “Chính phủ Nhật Bản có đủ tính chủ quan và chủ động trong việc xử lý vấn đề nước thải nhiễm phóng xạ hạt nhân Fukushima”.

Chủ đề ô nhiễm nước thải hạt nhân ở Nhật Bản từng chiếm lĩnh danh sách tìm kiếm nóng trên Weibo. Thậm chí báo chí Trung Quốc còn đưa tin về một video giả cho thấy, một lượng lớn tôm biển hiện đang bất ngờ xuất hiện trên một bãi biển ở Quảng Đông, nhằm cường điệu và chế giễu Nhật Bản. Hành động này đã bị cư dân mạng lên án.

Nhà văn độc lập Gia Cát Minh Dương cho rằng hiếm khi những bài viết như vậy được đăng tải mà không gặp tín hiệu “404” (bị chặn). Đây là tín hiệu cho thấy, ĐCSTQ đang nhượng bộ cộng đồng quốc tế.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sự đồng thuận chống ĐCSTQ của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như việc họ tách rời khỏi ĐCSTQ một cách toàn diện khiến ĐCSTQ sợ hãi. Mục đích trong cách tiếp cận hiện nay của ĐCSTQ là thể hiện thiện chí với Nhật Bản và giảm bớt áp lực từ bên ngoài.

Bình Minh (t/h)