Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margaritis Schinas đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hoặc là công khai tuyên bố ủng hộ NATO, EU và “các thuộc tính của phương Tây”, hoặc đứng về phía Nga và tổ hợp các quốc gia Hồi giáo cũng như các nhóm chiến binh.

Recep Tayyip Erdogan2 WEF Davos 2009
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thụy Sĩ (Ảnh: Andy Mettler/ Wikimedia)

Phát biểu tại một sự kiện ở Brussels hôm thứ Tư (11/10), ông Schinas đã nhấn mạnh về vụ bùng phát bạo lực gần đây giữa Israel và Palestine ở Gaza, lưu ý rằng tất cả 27 quốc gia thành viên EU đều ủng hộ “quyền tự bảo vệ chính mình” của Israel và lên án chủ nghĩa khủng bố sau vụ tấn công chết người của Hamas vào cuối tuần trước (7/10).

Đề cập đến Thổ Nhĩ Kỳ, ông Schinas tuyên bố rằng nước này phải “lựa chọn muốn đứng về phía nào của lịch sử”. Đây là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không thể đứng ở vị trí trung gian hoặc giữ thái độ trung lập giữa các cường quốc thế giới.

“[Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng] cùng với chúng ta – Liên minh châu Âu, NATO, các giá trị của chúng ta, các thuộc tính của phương Tây – hoặc [đứng cùng] với Moscow, Tehran, Hamas và Hezbollah. Câu trả lời cần phải rõ ràng”, trích dẫn phát ngôn của ông Schinas đăng trên tờ báo Hy Lạp Ekathimerini.

Nhận định của ông Schinas được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết chính phủ của mình sẵn sàng điều phối các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên ông Schinas không nói rõ Thổ Nhĩ Kỳ nên làm gì để chứng minh lòng trung thành với phương Tây.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trong một tuyên bố dài, được đưa ra sau các cuộc thảo luận riêng với Tổng thống Israel Isaac Herzog và Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas: “Thổ Nhĩ Kỳ… sẵn sàng cho mọi hình thức hòa giải, bao gồm cả trao đổi tù nhân, nếu các bên yêu cầu.”

Tuy nhiên trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ luôn chỉ trích mạnh mẽ các chính sách của Israel đối với người Palestine. Bản thân ông Erdogan cũng lên án các hoạt động quân sự mới nhất của Israel tại Gaza là “đáng xấu hổ” và là “một cuộc tàn sát”.

Ông Schinas ám chỉ ý rằng Nga đứng về phía Palestine, còn Moscow thì kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột và nhấn mạnh rằng người dân thường của tất cả các bên đều phải chịu đau khổ. Hôm thứ Năm (12/10), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhắc lại lời kêu gọi thực hiện các giải pháp trước đây của Liên Hợp Quốc và thành lập một nhà nước Palestine – thường được gọi là “giải pháp hai nhà nước”. 

“Tất cả chúng tôi đều có cùng quan điểm… rằng cuộc đối đầu này phải chấm dứt ngay lập tức, các bên nên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, ngăn chặn mọi hành động khủng bố và sử dụng vũ lực bừa bãi”, trích lời ông Lavrov.

Bắc Kinh cũng có cùng đề nghị này. Tuy nhiên, ông Yuval Waks, một quan chức cấp cao tại Đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh, cho biết: “Khi người dân bị sát hại và tàn sát trên đường phố, đó không phải là lúc để đề xuất ‘phương án hai quốc gia’”.

Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas hôm thứ Bảy tuần trước (7/10) là một trong những vụ vi phạm an ninh quốc gia lớn nhất tại Israel trong nhiều thập kỷ. Theo thống kê của các quan chức địa phương, khoảng 1.300 người đã thiệt mạng. Quân đội Israel đã tiến hành các cuộc không kích kéo dài nhiều ngày để trả đũa, gây ra cái chết cho khoảng 1.500 người ở Gaza và khiến hàng ngàn người khác bị thương.

Vy An (Theo RT)