Ngày 8/11, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số quan chức và sĩ quan quân đội cấp cao của chính quyền quân sự Myanmar. Năm ngoái, quân đội Myanmar đã thực hiện cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự dẫn đến bạo lực có nguy cơ gây mất ổn định các khu vực khác của Đông Nam Á.

EU đã phong tỏa tài sản của 19 người, bao gồm Bộ trưởng Đầu tư và Kinh tế Đối ngoại Myanmar Kan Zaw, chánh án tòa án tối cao Myanmar, các quan chức quân sự hàng đầu cũng như các doanh nhân có liên quan đến các lực lượng vũ trang Myanmar, đồng thời cấm họ đến châu Âu.

Khối 27 quốc gia châu Âu này cũng đóng băng tài sản ở châu Âu của Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar (SAC). Trong một thông báo, EU cáo buộc, SAC, được thành lập vào tháng 2/2021 sau cuộc đảo chính quân sự, “phải chịu trách nhiệm về các chính sách và các hoạt động phá hoại nền dân chủ và pháp quyền.”

Myanmar đã mòn mỏi dưới sự cai trị hà khắc của quân đội trong 5 thập kỷ, dẫn đến sự cô lập và trừng phạt của quốc tế. Khi các tướng lĩnh Myanmar nới lỏng sự kìm kẹp của mình, bà Aung San Suu Kyi đã trở thành nhà lãnh đạo của đất nước này sau cuộc bầu cử năm 2015 và cộng đồng quốc tế đã nới lỏng hầu hết các lệnh trừng phạt và tăng cường đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.

Tuy nhiên, nền dân chủ non trẻ của Myanmar đã kết thúc vào ngày 1/2/2021, khi các lực lượng vũ trang tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi sau khi xảy ra tranh chấp về kết quả của cuộc bầu cử tháng 11/2020. Theo kết quả bầu cử, Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng áp đảo.

Cuộc đảo chính của giới tướng lĩnh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của công chúng Myanmar. Đáp lại, chính quyền quân sự đã đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình của dân chúng. Kể từ đó, các cuộc biểu tình đã biến thành phong trào kháng chiến vũ trang.

Thông báo của EU nhấn mạnh: “EU quan ngại sâu sắc trước sự leo thang bạo lực liên tục và tiến triển của một cuộc xung đột kéo dài đã lan rộng khắp đất nước này và đã có những tác động đến khu vực.”

EU cam kết “sẽ cố gắng đưa ra công lý tất cả những ai chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người” kể từ cuộc đảo chính.

Với việc ban hành các lệnh trừng phạt mới, hiện tại có tổng cộng 84 người và 11 “thực thể” như các cơ quan, công ty hoặc tổ chức của Myanmar đã trở thành mục tiêu trừng phạt của EU. Liên minh châu Âu cũng áp đặt lệnh cấm vận vũ khí cũng như cấm cung cấp các thiết bị có thể được chính quyền quân sự Myanmar sử dụng để trấn áp trong nước hoặc để giám sát liên lạc của người dân.

Gia Huy (Theo Reuters)