Lỗi chính tả (typo) khiến các email có thể chứa thông tin nhạy cảm như thông tin cá nhân của quan chức quân đội Mỹ gồm cả thông tin chi tiết chuyến đi, mật khẩu, hồ sơ thuế, v.v. hoặc thậm chí cả thông tin nhạy cảm hơn nữa bị gửi nhầm sang tên miền Mali, một quốc gia ở Châu Phi thân cận với Nga, Financial Times và một số báo khác đưa tin. Mặc dù đã được báo cáo với nhà chức trách Mỹ tận 10 năm trước nhưng vấn đề này vẫn tồn tại đến nay.

EMAIL
(Ảnh ghép minh họa: Shutterstock)

Năm 2013, ông Johannes Zuurbier, một doanh nhân Internet người Hà Lan, người có hợp đồng quản lý tên miền quốc gia của Mali (.ML) đã thông báo cho Mỹ về vấn đề này. Tên miền quốc gia này rất giống với tên miền trên Internet dành cho các cơ quan quân sự của Chính phủ Mỹ (.MIL).

Năm 2013, ông nhận thấy có các yêu cầu hỏi tới các tên miền .ML mà không tồn tại. Nghi ngờ đó là email, ông đã lập các máy nhận email của các tên như Army.ML hay Navy.ML (army = quân đội, navy = hải quân), và quả nhiên nhận được rất nhiều email gửi nhầm vào đó. Theo ông, người ta dự kiến gửi vào Army.MIL hoặc Navy.MIL, nhưng vì .MIL và .ML quá giống nhau cho nên đã gửi nhầm. Bấy giờ ông đã thông báo vấn đề này với giới chức Hoa Kỳ. Sau đó ông cũng đã thông báo nhiều lần nữa.

Hợp đồng quản lý của ông đã kết thúc vào tuần trước, và chức năng quản lý tên miền .ML đã được chuyển giao cho nhà nước Mali. Điều đó khiến ông một lần nữa gióng lên cảnh báo và liên lạc với các phương tiện truyền thông. Financial Times là tờ báo đầu tiên báo cáo về sự vụ này.

Ông Zuurbier đã thu thập các email bị gửi nhầm từ tháng 1 năm nay để thuyết phục Chính phủ Mỹ xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Hiện ông nắm giữ gần 117.000 email bị gửi nhầm, mà trong đó gần 1.000 email chỉ riêng vào thứ Tư tuần trước.

Trong một bức thư gửi Mỹ hồi đầu tháng 7, ông Zuurbier viết: “Nguy cơ này là có thật và có thể bị các đối thủ của Mỹ lợi dụng.”

Trong bài báo của Financial Times có đăng một số hình ảnh về nội dung email mà ông có được. Trong đó thể thấy lịch trình đặt khách sạn của các nhân viên quân đội kèm cả số phòng, có mã mật khẩu, v.v. Có cả email của FBI nói về các hoạt động của các nhóm người Kurd, có độ nhạy cảm khá cao.

Phần lớn email mà ông lấy được không chứa thông tin gì đáng kể (như thư rác) và ông cũng không lấy được thông tin ‘mật’ nào.

Nhưng một số email chứa số liệu rất nhạy cảm về việc quân nhân Hoa Kỳ, nhà thầu và gia đình của họ: số liệu chụp X quang, số liệu sức khỏe y tế, thông tin tài liệu nhận dạng, danh sách thủy thủ đoàn, danh sách nhân viên tại căn cứ, bản đồ cài đặt, ảnh căn cứ, báo cáo kiểm tra hải quân, hợp đồng, khiếu nại hình sự đối với nhân viên, điều tra nội bộ về bắt nạt, du lịch chính thức hành trình, đặt chỗ, hồ sơ thuế và tài chính, v.v.

Ông Mike Rogers, một đô đốc người Mỹ đã nghỉ hưu, từng điều hành Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ Tư lệnh Mạng của Quân đội Hoa Kỳ, tin rằng “Nếu bạn nắm được khả năng truy cập đều đặn đến các thông tin loại này, thì bạn có thể tạo ra thông tin tình báo thậm chí chỉ từ thông tin không cần thuộc loại tin ‘mật’.”

Trung tá Tim Gorman, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho hay Bộ Quốc phòng “đã nhận thức được vấn đề này và xem xét nghiêm túc mọi hành vi tiết lộ trái phép thông tin an ninh quốc gia được kiểm soát hoặc thông tin chưa được phân loại có kiểm soát.”

Ông nói các email được gửi trực tiếp từ miền .MIL đến các địa chỉ của tên miền .ML hiên nay “đã bị chặn trước khi họ rời khỏi [máy chủ] tên miền .MIL [của quân đội] và người gửi được thông báo rằng họ phải xác thực địa chỉ email của người nhận dự định.”

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không kiểm soát email nào không đi qua máy chủ của họ, ông Gorman đã thú nhận với CNN khi được hỏi.

“Mặc dù [Bộ Quốc phòng] không thể kiểm soát việc nhân viên sử dụng tài khoản email cá nhân cho công việc của chính phủ thông qua công nghệ, nhưng Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục hướng dẫn và đào tạo cho các nhân viên có liên quan,” ông Gorman cho biết.

Vấn đề không chỉ liên quan tới Hoa Kỳ. Ông Zuurbier phát hiện những tên miền của Hà Lan (.NL) cũng dễ bị nhầm. Ví dụ các email lẽ ra cần gửi vào Army.NL (Hà Lan) đã được gửi nhầm sang Army.ML (Mali). Ông cũng có bằng chứng về một số email nhạy cảm, theo tờ báo đưa tin.

Hiện nay chưa rõ Chính phủ Hà Lan giải quyết vấn đề này như thế nào.

Hợp tác quân sự của Nga, Wagner và Mali ngày càng chặt chẽ hơn

Tờ Vision Times có đưa ra một số thông tin về quan hệ quân sự giữa Nga và Mali, một quốc gia ở Châu Phi.

Theo các báo cáo tổng hợp từ các phương tiện truyền thông châu Âu Mỹ, vào năm 2021, Assimi Goïta, một sĩ quan quân đội ở Mali, đã nắm quyền trong một cuộc đảo chính và tuyên bố mình là tổng thống lâm thời. Tập đoàn Wagner có quan hệ mật thiết với quân đội Mali từ cuối năm 2021 và các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã bày tỏ lo ngại về điều này.

Trước đó, chính quyền Moskva khẳng định quân đội Nga ở Mali không phải là lính đánh thuê mà là những binh sĩ hỗ trợ, và trang bị cho quân đội địa phương Mali được mua từ Nga là chỉ để huấn luyện quân sự.

Mali, một quốc gia Tây Phi, có quan hệ rất chặt chẽ với Nga. Trong chuyến thăm Mali hồi tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hứa hẹn tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Mali, hợp tác quân sự ngày càng chặt chẽ giữa hai nước đã thu hút sự chú ý của các nước phương Tây.

Tuy Wagner mang danh là hãng quân sự tư nhân, quen gọi là lính đánh thuê, nhưng kỳ thực nó được Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thành lập, và ông Putin gần đây đã hé lộ thông tin rằng Chính phủ Nga tài trợ cho tổ chức này.

Hãng tin chính trị Politico đưa tin vào ngày 26/6 rằng mặc dù cuộc binh biến của Wagner đã thất bại ở Nga, nhưng điều đó dường như không ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức này ở các quốc gia khác như Châu Mỹ Latinh, Trung Đông và Châu Phi, vốn đang mở rộng trong những năm gần đây. Với các hoạt động này thì Wagner được các nước phương Tây coi là cơ quan chính sách đối ngoại vũ trang của Nga.

Ở Châu Phi, Tập đoàn Wagner cung cấp dịch vụ quân sự ở Cộng hòa Trung Phi, Mali và Burkina Faso, đồng thời hỗ trợ các chính phủ này chống phương Tây để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên ở các nước Châu Phi.

Trong một cuộc phỏng vấn với RT, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng “Theo yêu cầu của họ, hàng trăm quân nhân (Tập đoàn Wagner) đang phục vụ với tư cách là người hướng dẫn tại Cộng hòa Trung Phi. Tất nhiên, công việc này sẽ tiếp tục… Cả Trung Phi và Mali đã yêu cầu sự hỗ trợ từ Wagner để đảm bảo an toàn cho ban lãnh đạo của họ.” Binh biến của Wagner cuối tháng trước sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ của Nga với “các đối tác và bạn bè”, cụ thể là việc kinh doanh của Tập đoàn Wagner ở Mali và Cộng hòa Trung Phi không bị ảnh hưởng.

Maxime Audinet, nhà nghiên cứu tại IRSEM của Pháp và là chuyên gia về chính trị Nga, cho rằng Điện Kremlin và Tập đoàn Wagner có quan hệ đặc thù song phương, Wagner dựa vào nguồn cung cấp quân sự do nhà nước Nga cung cấp, và Nga dựa vào Wagner ở những lĩnh vực mà các cơ cấu quân đội chính quy hoặc quan chức chính thức của Nga không tiện trực tiếp thực hiện.

Nhật Tân