Một nhóm nhân quyền đã theo dõi 156 trường hợp bị cáo buộc lạm dụng công nhân tại các nhà máy may mặc ở Myanmar với nhiều thương hiệu khác nhau.

Embed from Getty Images

H&M, nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, đang điều tra 20 trường hợp bị cáo buộc lạm dụng lao động tại các nhà máy may mặc Myanmar cung cấp hàng cho họ, hãng tin Reuters đưa tin. Cách đó chỉ vài tuần, Inditex – chủ sở hữu của Zara, nhà bán lẻ thời trang hàng đầu – cho biết họ sẽ loại bỏ dần việc mua hàng từ quốc gia Đông Nam Á này.

Một nhóm vận động nhân quyền có trụ sở tại Anh đã theo dõi 156 trường hợp bị cáo buộc lạm dụng công nhân tại các nhà máy may mặc của Myanmar từ tháng 2 năm 2022 đến tháng 2 năm 2023, tăng so với 56 trường hợp của năm trước, cho thấy quyền của người lao động đã bị suy giảm kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021.

Theo một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Trung tâm Tài nguyên Nhân quyền và Doanh nghiệp (BHRRC), giảm lương và ăn cắp tiền lương là những cáo buộc được báo cáo thường xuyên nhất, tiếp theo là sa thải bất công, tỷ lệ làm việc vô nhân đạo và buộc phải làm thêm giờ.

H&M cho biết trong một tuyên bố: “Tất cả các trường hợp được nêu trong báo cáo của BHRRC đang được theo dõi và khắc phục khi cần thiết thông qua nhóm địa phương của chúng tôi tại cơ sở và hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan”.

Nhà bán lẻ Thụy Điển cho biết: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc trước những diễn biến mới nhất ở Myanmar và chúng tôi nhận thấy những thách thức ngày càng tăng trong việc tiến hành các hoạt động của mình theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của chúng tôi”.

BHRRC đã theo dõi các cáo buộc về việc vi phạm quyền của người lao động tại các nhà máy may mặc của Myanmar kể từ khi chính phủ quân sự lên nắm quyền, đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo. 

BHRRC cho biết họ theo dõi các trường hợp bị cáo buộc lạm dụng thông qua các nguồn bao gồm lãnh đạo công đoàn, phương tiện truyền thông quốc tế và phương tiện truyền thông địa phương như Myanmar Labour News, đồng thời tìm cách xác minh các báo cáo bằng cách hỏi han các thương hiệu và phỏng vấn người lao động. 

Theo báo cáo, đã có 21 trường hợp bị cáo buộc lạm dụng liên quan đến các nhà cung cấp của Inditex trong khoảng thời gian hai năm và 20 trường hợp liên quan đến các nhà cung cấp của H&M. Inditex từ chối bình luận về báo cáo.

Những hãng khác được đề cập trong báo cáo của BHRRC bao gồm nhà bán lẻ thời trang đa quốc gia Ailen Primark, có 19 trường hợp bị cáo buộc lạm dụng; Bestseller có trụ sở tại Đan Mạch, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng Vero Moda và Jack & Jones và có 17 trường hợp bị cáo buộc lạm dụng; và công ty quần áo LPP của Ba Lan, với 12 trường hợp bị cáo buộc lạm dụng.

Ngân Hà (theo Reuters)