Hồ sơ giải mật Anh: Trung Quốc từng có kế hoạch dùng vũ lực để đoạt lại Hồng Kông
- Huệ Anh
- •
Theo hồ sơ giải mật mới nhất, Bộ Ngoại giao Anh từng được cảnh báo, Trung Quốc có thể dùng vũ lực để cưỡng chế tiếp quản Hồng Kông trước khi chủ quyền được bàn giao vào năm 1997.
http://gty.im/540010502
Hình ảnh ông Chris Patten nhận lá cờ Anh được hạ xuống tại dinh Thống đốc năm 1997 (Ảnh từ Getty Images)
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông đưa tin, theo hồ sơ giải mật mới nhất của Cơ quan lưu trữ Quốc gia Anh, năm 1992, chính phủ Anh lo lắng trước khi Hồng Kông được bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997, Trung Quốc có thể sẽ tiến hành can thiệp quân sự, đồng thời vạch ra kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho tình huống xấu nhất.
Trong nhiệm kỳ cuối cùng của Thống đốc Hồng Kông, ông Chris Patten đã lần đầu tiên đưa ra đề xuất hành chính của mình vào tháng 10/1992, đề nghị trao quyền bỏ phiếu cho 2,7 triệu người dân Hồng Kông, đẩy nhanh dân chủ hóa tại Hồng Kông. Khi đó, việc này đã khiến cho chính quyền Trung Quốc tức giận, và chỉ trích ông Chris Patten là “tội nhân thiên cổ”.
Ngày 18/11/1992, Thủ tướng Anh John Major mở hội nghị nội các của Ủy ban Quốc phòng và Chính sách nước ngoài. Hồ sơ giải mật cho thấy, một ngày trước khi hội nghị diễn ra, bà Pauline Neville-Jones – Trưởng ban thư ký các vấn đề Quốc phòng và nước ngoài đã viết trong báo cáo ngắn gọn gửi ông John Major, mặc dù đề nghị của ông Chris Patten được sự ủng hộ của cơ quan lập pháp Hồng Kông, nhưng Ủy ban vẫn cần phải cân nhắc đến tình huống xấu nhất, và nghiên cứu kế hoạch ứng phó khẩn cấp.
Bà viết, “Nếu đề xuất của Thống đốc đạt được tỉ lệ thông qua thấp, vậy Thống đốc liệu có cần bắt đầu rút lui một cách có trình tự, hoặc là mạo hiểm khi chưa được cơ quan lập pháp Hồng Kông thông qua?”
“Vấn đề cần giải quyết tại hội nghị nội các lần này là, trong tình huống Trung Quốc đã thể hiện sự bất mãn, liệu có nên tiếp tục thúc đẩy đề xuất này không”, Pauline Neville-Jones viết, “Nguy cơ là rất cao và đó sẽ là hành động không thể quay đầu”.
Tham dự hội nghị nội các của Thủ tướng John Major khi đó gồm có, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính và ông Chris Patten. Tuy nhiên, hồ sơ giải mật lại không nhắc đến kết quả của hội nghị của những lãnh đạo cấp cao này.
Trong báo cáo ngắn gọn của mình, Pauline Neville-Jones có dẫn văn kiện được cung cấp bởi Bộ trưởng Ngoại giao Anh, nội dung nói chính quyền Trung Quốc có thể dùng cách xâm phạm khác.
Pauline Neville-Jones viết, “Có người nói (tên họ của người cung cấp thông tin đã bị xóa bỏ), Trung Quốc thậm chí có thể vạch ra kế hoạch khẩn cấp, để dùng vũ lực đoạt lại Hồng Kông trước năm 1997.”
Bà kêu gọi Ủy ban cần phải cân nhắc, trước khi trao trả Hồng Kông vào năm 1997, Trung Quốc có thể sẽ phát động can thiệp quân sự.
Trong một bản báo cáo được ông Chris Patten đệ trình lên chính phủ Anh vào tháng 1/1993 có chỉ ra, một trong những nhiệm vụ mà Trung Quốc giao phó cho Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Châu là vạch kế hoạch để ứng biến trong tình huống cần tiếp quản Hồng Kông sớm hơn.
Theo phương án cải cách bầu cử do ông Chris Patten đề xuất, khoảng 9 triệu cử tri hợp lệ tại Hồng Kông có thể bỏ phiếu cho các đại diện lập pháp tại chín khu vực bầu cử chức năng mới vào năm 1995. Trung Quốc chỉ trích đề đề nghị này là vi phạm “luật pháp cơ bản”.
Dưới sự ủng hộ toàn lực của chính phủ Anh, đề nghị của ông Chris Patten cuối cùng cũng được cơ quan lập pháp của Hồng Kông thông qua vào tháng 6/1994, và được thực hiện trong cuộc bầu cử lập pháp Hồng Kông năm 1995.
SCMP đưa tin, trong cuộc gặp với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher ngày 24/9/1982 tại Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã cảnh cáo, nếu Hồng Kông xảy ra “bạo loạn lớn” trước khi trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Bắc Kinh có thể sẽ suy xét đến việc “sớm tiếp quản Hồng Kông”.
Tháng 10/1992, ông Đặng Tiểu Bình chỉ thị quân đội, cần có phương án dùng vũ lực để đoạt lại Hồng Kông, nếu xảy ra việc chậm trễ thời gian tiếp quản, quân đội Trung Quốc cần tiến vào Hồng Kông.
Đối với giải mật hồ sơ về Hồng Kông mới nhất này của chính phủ Anh, ông Chris Patten chia sẻ với SCMP rằng, “cần phải giải mật tất cả những văn kiện mật liên quan đế Hồng Kông những năm 90 và trước đó nữa. Tôi cũng rất muốn có thể đọc được những hồ sơ của phía Trung Quốc.”
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa giải mật hồ sơ Hồng Kông Trung Quốc