Theo Reuters, chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã có biện pháp nhằm vào pin xe điện từ Trung Quốc liên quan đến vấn nạn lao động cưỡng bức ở quốc gia cộng sản này.

Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFPLA) ban hành khoảng một năm trước, chủ yếu tập trung vào các tấm pin mặt trời, cà chua và quần áo bông. Tuy nhiên, đạo luật này hiện đang được mở rộng để ngăn chặn việc nhập khẩu các sản phẩm của xe điện như pin lithium-ion, lốp xe và nguyên liệu thô chính của ô tô là nhôm và thép.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã tăng cường kiểm tra các chủng loại sản phẩm nói trên.

Điều này có thể tác động đến ngành công nghiệp xe điện ở Mỹ, vì các nhà sản xuất đang ngày càng phải chứng tỏ rằng chuỗi cung ứng của họ không được hưởng lợi từ các trại lao động Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc theo Đạo luật UFPLA. Trong suốt nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì các chính sách diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở vùng Tây Bắc Trung Quốc. 

Hơn một năm thực thi UFLPA đã khiến các dự án năng lượng mặt trời bị ảnh hưởng không nhỏ, khi các lô hàng bảng điều khiển bị tạm giữ thời gian dài các nhà kho của Hoa Kỳ. Theo nhóm thương mại của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Hoa Kỳ, việc lắp đặt các cơ sở năng lượng mặt trời lớn cho các tiện ích đã giảm 31% vào năm ngoái do nguồn cung cấp bảng điều khiển hạn chế.

Chính quyền Biden chủ yếu dựa vào năng lượng mặt trời và xe điện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của mình, sử dụng hàng trăm tỷ đô la tiền thuế của người dân để tài trợ cho quá trình này.

Một nghiên cứu được Power the Future công bố hôm 17/8 đã thừa nhận rằng, lựa chọn của ông Biden đã “làm giàu” cho Trung Quốc, vì nước này được cho là kiểm soát khoảng 80% thị phần khoáng sản năng lượng.

Minh Ngọc (T/h)