Năm ngoái, sản xuất tại các nhà máy của Mỹ đã tăng lên và bản thân việc xây dựng các nhà máy cũng được đẩy mạnh.

nang suat lao dong
Sản xuất tại các nhà máy của Mỹ đã tăng lên và bản thân việc xây dựng các nhà máy cũng được đẩy mạnh. (Ảnh: Shutterstock)

Theo dữ liệu của Cục điều tra dân số được công bố vào tuần trước, chi tiêu xây dựng của các nhà sản xuất Hoa Kỳ đã tăng hơn gấp đôi so với năm trước. Vào tháng 4/2023, tỷ lệ hàng năm đạt mức gần 190 tỷ đô la với mức 90 tỷ đô la vào tháng 6/2022, trong đó hoạt động sản xuất chiếm khoảng 13% trong hoạt động xây dựng phi chính phủ.

Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp hàng tỷ đô la trợ cấp cho việc sản xuất xe điện và tấm pin mặt trời để cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, đồng thời củng cố vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực mới như năng lượng sạch. Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc chiếm khoảng 30% giá trị gia tăng toàn cầu từ sản xuất, gần gấp đôi so với Hoa Kỳ. Trong vài thập kỷ qua, châu Á chiếm thị phần lớn hơn trong sản xuất xí nghiệp toàn cầu.

Các nhà máy đang được xây dựng ở khắp mọi nơi từ sa mạc cho đến các thị trấn nghỉ dưỡng khi Hoa Kỳ cố gắng hồi hương các ngành sản xuất hàng hóa thường được nhập khẩu từ các nước có chi phí thấp hơn. Nhiều nhà máy sản xuất ắc-quy và xe điện đã mọc lên ở vùng Rust Belt, trong khi các nhà máy tấm pin mặt trời và năng lượng tái tạo hiện đang trải rộng khắp miền Nam và Đông Nam Hoa Kỳ.

Theo báo cáo việc làm tháng 5 của Cục Thống kê Lao động, Hoa Kỳ đã tạo thêm 800.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong hai năm qua, sử dụng 13 triệu lao động. Tuy nhiên, theo Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Mỹ, chênh lệch về kỹ năng sản xuất, gây ra do cuộc tranh giành trong thị trường lao động để tìm kiếm những người lao động có chuyên môn thủ công và kỹ thuật cao, có thể dẫn đến 2,1 triệu việc làm không tìm được người vào năm 2030.

Tuy nhiên, trong năm qua, các ngành sản xuất đã quay trở lại Mỹ từ các quốc gia khác một cách nhanh chóng. Theo chỉ số Reshoring năm 2022 của Kearney, 96% các công ty Mỹ đã chuyển sản xuất về Mỹ hoặc đang xem xét hoạt động chuyển sản xuất từ nước ngoài về Mỹ, tăng cao so với mức 78% trong chỉ số năm 2021.

Sự gia tăng đột ngột trong việc xây dựng nhà máy mới ở Mỹ tương ứng với việc Hoa Kỳ thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học vào tháng 7/2022, cung cấp 280 tỷ đô la tài trợ để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn tại Hoa Kỳ. Ngoài ra việc thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) vào tháng 8/2022 sẽ giúp Hoa Kỳ tạo ra các việc làm mới trong sản xuất, xây dựng và năng lượng tái tạo, ước tính sẽ tạo ra tới 1,5 triệu việc làm vào năm 2030.

Ngược lại, chi tiêu xây dựng trong hầu hết các lĩnh vực khác trong nền kinh tế Mỹ lại giảm, bao gồm xây dựng văn phòng, chăm sóc sức khỏe, và giáo dục. Xây dựng nhà ở cũng giảm trong bối cảnh thị trường nhà ở bùng nổ do đại dịch đang hạ nhiệt nhanh chóng. 

Dữ liệu của Cục điều tra dân số cho thấy, chi tiêu xây dựng sản xuất đã tăng từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2023 ở mọi khu vực của Hoa Kỳ, ngoại trừ vùng New England và vùng Trung Đại Tây Dương (Mid Atlantic).

Mặc dù sự bùng nổ chi tiêu xây dựng có thể dẫn đến sự bùng nổ sản xuất trong tương lai, nhưng các nhà máy mới thực sự cần phải được xây dựng trước. Tuy nhiên, phần lớn khoản chi tiêu xây dựng này có thể phải đối mặt với các trở ngại pháp lý hoặc sự trì hoãn do Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia của Hoa Kỳ, vốn yêu cầu các dự án có sự tham gia của liên bang phải tiến hành đánh giá tác động môi trường.

Đi theo bước chân của một số nước phương Tây sau cuộc chiến thương mại năm 2018 giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, gần đây một số công ty Trung Quốc đã chuyển các chuỗi cung ứng ra khỏi đất nước của mình. Căng thẳng Mỹ – Trung và chi phí ngày càng tăng đã thúc đẩy một số công ty Trung Quốc tìm đến Ấn Độ, Thái Lan, và Việt Nam để sản xuất.